Hà Nội: Bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường khiến biến chứng nhiễm toan ceton

Theo BS. Nguyễn Hoàng Hải - Khoa Hồi sức tích cực-chống độc (HSTC-CĐ), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hằng năm tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân biến chứng nặng của bệnh đái tháo đường, trong đó biến chứng hay gặp là nhiễm toan ceton, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng hôn mê, đường máu mất kiểm soát do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân hay gặp thường do tự ý bỏ thuốc điều trị bệnh lý đái tháo đường.
06/04/2023 16:25

Điển hình, trường hợp bệnh nhân nam sinh năm 2001 được phát hiện tiểu đường cách vào viện 2 tháng được tư vấn điều trị thuốc định kỳ. Khoảng 2 tuần gần đây bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị, bắt đầu xuất hiện tình trạng khát nước, khô môi, tiểu nhiều không rõ số lượng, sút khoảng 2-3kg, sau đó bệnh nhân xuất hiện giảm ý thức lơ mơ và được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang cấp cứu và điều trị.

50956

Bệnh nhân đái tháo đường nhiễm toan ceton do tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm toan ceton mức độ nặng  – mất kiểm soát đường huyết, tình trạng bệnh nhân vào viện với những rối loạn về cả ý thức, đường máu, rối loạn toan kiềm nội môi. Chỉ số pH khí máu động mạch pH: 6.8 ( giá trị bình thường 7.4); HC03-: 1.7 ( giá trị bình thường 21 – 26); glucose máu: 32 mmol/l (giá trị bình thường 3.9 – 6.5 mmol/l); HbA1c : 16 (giá trị bình thường < 6.5); thở nhanh ts 26-28 lần/ phút, nhịp tim 120 lần/ phút; huyết áp: 120/80 mmHg, dấu hiệu mất nước nặng, với các triệu chứng lâm sàng và chỉ số xét nghiệm ban đầu của bệnh nhân cho thấy đây là một tình trạng rất nguy kịch nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu khẩn cấp.

Bệnh nhân đã được tiếp nhận tại chuyên khoa HSTC- CĐ điều trị kịp thời và qua khỏi tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng. Qua trường hợp trên cho thấy bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm như: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, cắt bỏ bàn chân,… Để sống hòa bình với bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi hay ngưng thuốc điều trị, ăn uống không kiêng cữ.

BS. Nguyễn Hoàng Hải cho biết nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm bao gồm: tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong.

Cũng theo BS. Nguyễn Hoàng Hải, triệu chứng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng; buồn nôn, nôn ói, đau bụng; khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều; sụt cân; Glucose máu > 13,9 mmol/L (> 250 mg/dL) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân; nhịp tim nhanh, hạ huyết áp; có dấu hiệu mất nước: môi khô, lưỡi khô, da khô nặng; nhịp thở có 4 thì: hít vào - ngừng thở - thở ra - ngừng thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo chín), mùi ceton xuất hiện do tình trạng thải bỏ sản phẩm aceton có nguồn gốc từ acetoacetat qua phổi; thân nhiệt thường giảm nhẹ do tình trạng giãn tĩnh mạch ngoài da, đây là một biểu hiện của tiên lượng xấu.

Bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các biểu hiện sau: lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn 300 mg/dL hoặc 16.7 mmol/L; có ceton trong nước tiểu, không thể giảm xuống mức giới hạn cho phép; có trên 1 triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường; mệt mỏi, buồn nôn có thể là triệu chứng của nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường.

Để phòng ngừa nhiễm toan ceton đái tháo đường, BS. Nguyễn Hoàng Hải khuyến cáo người bệnh cần kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất hằng ngày và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cần biết cách tự theo dõi lượng glucose máu và ceton nước tiểu, kiểm soát đường và ceton máu nếu bị ốm hoặc stress. Khi có ceton niệu nặng và glucose niệu kéo dài qua nhiều xét nghiệm, bệnh nhân nên bổ sung insulin và đồ ăn lỏng như nước cà chua, nước luộc thịt chứa ít muối để bổ sung dịch và điện giải cho cơ thể. Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị nếu mắc thêm một bệnh khác, có ceton niệu kéo dài, sốt, đau bụng, tiêu chảy, nồng độ glucose trong máu cao, ceton trong nước tiểu dai dẳng, đặc biệt là bị nôn ói hoặc nếu đã điều chỉnh tốc độ tiêm truyền bằng bơm insulin nhưng không cải thiện về tình trạng tăng đường huyết và ceton niệu. Bệnh nhân không được tự ý giảm liều tiêm insulin hoặc tự ý bỏ thuốc ngay cả trong trường hợp mắc một bệnh khác.

Nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới hôn mê hoặc tử vong. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chủ động phòng ngừa biến chứng này. Đồng thời, khi có dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton, bệnh nhân nên ngay lập tức đi thăm khám để được chẩn đoán xác định và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

comment Bình luận

largeer