Hà Nội cứu sống 1 nữ bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp

Vừa qua khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã chẩn đoán nhanh và kịp thời cứu sống một bệnh nhân nữ, 63 tuổi bị tắc động mạch phổi cấp.
08/06/2023 14:35

Bệnh nhân Nguyễn Thị V, sinh năm 1960, sống tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội đang điều trị ung thư tử cung – buồng trứng di căn gan, điều trị hóa chất nhiều đợt. Trước khi vào cấp cứu 30 phút bệnh nhân đột ngột khó thở và tăng nhanh, ngay sau đó được người nhà đưa vào viện.

Từ nhà đến viện khoảng 500 mét, nhưng khi đến cửa Khoa Cấp cứu, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, thở ngáp, tím tái, SpO2 60-70%. Ngay lập tức, bệnh nhân được bóp bóng, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

350960375_649154577032537_7643394776525916942_n

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực ghi nhận bệnh nhân: hôn mê, mạch nhanh 120 l/p, Huyết áp80/60 mmHg, SpO2 92% thở máy FiO2 100%, PEEP5.

Một số cận lâm sàng nổi bật:

- Kết quả siêu âm tim tại giường có giãn thất phải.

- Điện tâm đồ: hình ảnh S1Q3T3 gợi ý tắc mạch phổi.

Các bác sĩ đánh giá khả năng là một trường hợp thuyên tắc phổi, và chỉ định cho bệnh nhân chụp tối khẩn MSCT ngực. Kết quả chụp cho hình ảnh: thuyên tắc nhiều nhánh động mạch phổi.

Lập tức bệnh nhân được sử dụng thuốc chống đông Heparin không phân đoạn.

Sau 2 giờ sử dụng thuốc, tình trạng oxy máu của bệnh nhân nhanh chóng được cải thiện, huyết áp duy trì ổn định. Sau 1 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy kính.

Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, tình trạng sức khỏe tốt. Bệnh nhân được xuất viện, điều trị tiếp theo đơn và tái khám sau 3 tuần.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy – khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân cho biết: Khi gặp một trường hợp bệnh nhân khó thở cấp tính, trên nền có yếu tố nguy cơ của tăng đông như: ung thư, bệnh nhân hạn chế vận động nằm 1 chỗ…, cần nghĩ đến tắc động mạch phổi, vì biến chứng của tắc mạch phổi xảy ra rất nhanh, có thể ngừng tuần hoàn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Đối với trường hợp trên, bệnh nhân đã được chẩn đoán và được dùng thuốc chống đông nhanh chóng, kịp thời, tình trạng bệnh được cải thiện rất sớm và bệnh nhân nhanh ổn định.

Nhìn thấy được nụ cười trở lại trên môi bệnh nhân và của gia đình sau khi trải qua những giờ phút sinh tử, những bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc thêm yêu quý công việc của mình. Không chỉ là cứu sống bệnh nhân mà còn khích lệ tinh thần tập thể khoa luôn đoàn kết, nâng cao năng lực chuyên môn vì mục tiêu chung: Tận tâm - Tận lực với người bệnh thân yêu.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

comment Bình luận

largeer