Hà Nội cứu sống bệnh nhân viêm màng não trên nền bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Nam bệnh nhân 31 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, ý thức hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, nhiều ban xuất huyết rải rác ở tay, mặt trong 2 bên đùi.
15/05/2023 07:43

Theo người nhà kể lại, người bệnh bị Lupus ban đỏ 2 năm, điều trị ổn định tại Bệnh viện Bạch Mai. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân đột ngột khởi phát sốt cao 38-40 độ C, sốt nóng kèm theo nhiều cơn rét run; đau đầu dữ dội vùng trán, đau tăng khi có kích thích ánh sáng và âm thanh, đau lan xuyên ra vùng thái dương - chẩm hai bên, đau thành từng cơn, trong mỗi cơn đau có kèm theo buồn nôn, nôn.

Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ý thức xấu dần đi, tiếp xúc chậm chạp, đại tiểu tiện không tự chủ, được cấp cứu tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Quân y 103.

Qua thăm khám lâm sàng, làm xét nghiệm máu cơ bản, định hướng ban đầu nghĩ đến viêm màng não chưa loại trừ nhiễm khuẩn huyết. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấy máu, xét nghiệm khí máu, chụp CT-Scanner sọ não loại trừ khối bất thường nội sọ, sau đó chọc ống sống thắt lưng lấy dịch não tủy làm xét nghiệm tế bào, công thức tế bào, sinh hóa, nhuộm soi, nuôi cấy.

Bệnh nhân được theo dõi điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC (VTV)

Bệnh nhân được theo dõi điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC (VTV)

Do nhận định bệnh nhân có nhiễm khuẩn huyết nên kháng sinh được sử dụng sớm ngay từ giờ đầu. Ngoài hội chứng màng não, bệnh nhân có ban xuất huyết dạng nốt liên kết thành mảng ở nhiều vị trí rải rác toàn thân, chủ yếu ở tứ chi, kèm theo tím đầu chi không liên tục.

Các bác sĩ đã mời các chuyên khoa nội tiết, da liễu hội chẩn đi đến thống nhất chẩn đoán: Xuất huyết dưới da trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết nặng có rối loạn đông máu.

Sau 24 giờ điều trị, lâm sàng của bệnh nhân đáp ứng kém, ý thức xấu đi, sốt cao liên tục (39-40,5 độ C) không hạ dù đã sử dụng nhiều biện pháp hạ sốt. Bệnh nhân vật vã kích thích, khó thở, co rút cơ hô hấp phụ, nhiều ran rít lan tỏa hai phổi, SpO2 giảm 86-90%; khí máu có biểu hiện suy hô hấp, men tim tăng, tiên lượng rất nặng, người bệnh đã được đặt nội khí quản, an thần, thở máy.

Trước diễn biến xấu nhanh của bệnh nhân, nhiễm khuẩn nặng có suy đa tạng (thần kinh, hô hấp, tim…) dù đã được sử dụng hai loại kháng sinh phổ rộng ngay từ giờ đầu, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định chọc ống sống thắt lưng lần 2 chỉ sau 24 giờ để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm PCR đa tác nhân, kết quả dương tính với vi khuẩn Listeria monocytogenes.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não - màng não do Listeria monocytogenes trên nền Lupus ban đỏ hệ thống.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh viêm màng não đúng căn nguyên vi sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp thuốc chống viêm, chống phù não, hạ sốt, bù dịch, điện giải, dinh dưỡng, chăm sóc hỗ trợ vận động, vỗ rung.

Sau 4 ngày nhập viện, kết quả cấy khuẩn do Khoa Vi sinh trả về : mẫu máu và dịch não tủy mọc vi khuẩn Listeria monocytogenes tương tự như kết quả của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết quả kháng sinh đồ còn nhạy với các kháng sinh Ampicillin, Meropenem, gentamicin, Trimethoprim/Sulfamethoxazole.

Sau 7 ngày điều trị nội khoa tích cực, các triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ rệt, bệnh nhân hết sốt, đỡ đau đầu, ý thức tỉnh táo, SpO2 cải thiện 98%, các xét nghiệm trở về bình thường, các ban xuất huyết giảm dần, men tim giảm dần. Bệnh nhân được rút nội khí quản và được ra viện trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, vận động chủ động được nhưng sức cơ còn yếu.

Theo các bác sĩ, bệnh viêm màng não do vi khuẩn Listeria monocytogenes là một vi khuẩn Gram dương gây bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương cấp tính. Trực khuẩn Listeria monocytogenes là loại vi khuẩn ưa khí tùy ngộ, có khả năng di động, không có ngoại độc tố nhưng có khả năng tiết nội độc tố gây hoại tử.

Vi khuẩn Listeria chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, tồn tại rộng rãi trong tự nhiên, đặc biệt là trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Đây là căn nguyên vi sinh phổ biến thứ ba gây viêm màng não do vi khuẩn mắc phải ở cộng đồng người lớn, mặc dù tại Việt Nam ít ghi nhận trường hợp Viêm màng não do Listeria monocytogenes.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh là tuổi, tình trạng miễn dịch của người bệnh. Thường gặp người bệnh viêm màng não do Listeria monocytogenes ở người trẻ dưới 30 tuổi, người cao tuổi (> 60 tuổi). Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, với người suy giảm miễn dịch (xơ gan, viêm gan virus B, C; sau ghép thận, đái tháo đường, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch), hoặc người mắc các bệnh lý ác tính (ung thư, bệnh bạch cầu cấp và mạn tính…) có thể bị viêm màng não do vi khuẩn này ở bất cứ độ tuổi nào.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer