Hà Nội: Hai người bệnh COVID-19 từng nguy kịch hồi phục

Bệnh nhân 7451 và 7514, từng nguy kịch, điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gần hai tháng, hôm nay được ra viện.
23/07/2021 20:48

Bệnh nhân 7451, 35 tuổi, quê ở Nghệ An, được Bệnh viện đa khoa Bắc Giang chuyển đến ngày 2/6. Khi đó, chị đang mang thai 22 tuần, đã được can thiệp ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể), phải sử dụng thuốc an thần, vận mạch, thở máy qua ống nội khí quản.

Từ 2/6 đến 13/6, chị được lọc máu hấp thụ cytokine 6 lần, bệnh tiến triển chậm, tổn thương phổi chậm hồi phục, rối loạn đông máu nặng. Bác sĩ theo dõi sát tình trạng thai nhi do tiên lượng xấu. Đến 16/6, chị bị chảy máu qua ống xông tiểu, xét nghiệm chỉ ra chị mất máu và giảm tiểu cầu nặng, sốc mất máu, nguy cơ tử vong cao. Nhóm điều trị phẫu thuật nội soi lấy máu cục và rửa bàng quang, sau đó điều trị nội khoa và truyền máu cấp cứu, kết hợp lọc máu liên tục.

Ngày 17/6, chị được cai ECMO. Tuy nhiên, chức năng phổi cải thiện chậm, thai 23 tuần tuổi chết lưu, vẫn sốc mất máu nặng, sốt cao, phù toàn thân. Bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu liên tục, thở máy, cầm máu bàng quang kết hợp kháng sinh, kháng nấm. Ngày 21/6, bác sĩ hội chẩn toàn khoa, kết luận tạm thời chưa can thiệp lấy thai lưu để tránh nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cho mẹ.

Ngày 24/6, chị chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ sản khoa túc trực đỡ nhau và thai lưu, kiểm soát các diễn biến trên người bệnh. Đến 16/7, sức khỏe chị mới cải thiện, chức năng phổi hồi phục, có thể vận động nhẹ tại giường và được cai máy thở. Chị tạm qua cơn nguy kịch, chảy máu bàng quang được cầm, tạm thời ổn định.

Đến 23/7, chị đã điều trị hồi sức tích cực 51 ngàytrong đó thở máy tổng cộng 45 ngày, 10 lần lọc máu, 16 ngày ECMO. Sức khỏe chị hồi phục tốt, tự thở được, đi lại và xét nghiệm âm tính COVID-19 ba lần liên tiếp. Vì vậy, chị được chuyển tuyến cơ sở để theo dõi tiếp.

a2

Bệnh nhân 7451 trên xe cứu thương về bệnh viện tuyến cơ sở, chiều 23/7. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân 7514, 64 tuổi, ở Lạng Sơn, nhập viện ngày 6/6, tiền sử ung thư cổ tử cung. Bà được điều trị ở tuyến cơ sở từ ngày 31/5 song tình trạng bệnh không đỡ, sốt cao và khó thở tăng dần, vì vậy được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại khoa Cấp cứu, bà được lọc máu 2 lần, thở máy qua ống nội khí quản 6 ngày, song bệnh không cải thiện. Chiều 11/6, bác sĩ chuyển điều trị hồi sức tích cực. tiếp tục lọc máu thêm 2 lần, thở máy theo thông số tối ưu. Đến 26/6, bà thở máy tổng cộng 15 ngày, lúc này sức khỏe cải thiện nhiều, tổn thương phổi hồi phục hơn. Bác sĩ chuyển chế độ tập cai máy thở, sau đó ngừng thở máy, chuyển thở oxy kính đến 8/7 thì ngừng hẳn. Từ đó đến 23/7, bà tập phục hồi chức năng tại giường, sau đó được ra viện.

Đây là bệnh nhân nguy kịch thứ 31 và 32 tại viện khỏi bệnh trong đợt dịch thứ tư. Hiện khoa Hồi sức tích cực còn khoảng 20 bệnh nhân nặng, trong đó có 4 ca ECMO.

Chi Lê

comment Bình luận

largeer