Hà Nội: Nâng mức phòng dịch trong bệnh viện khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện (BV) của Hà Nội luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để đáp ứng với các cấp độ.
05/11/2021 06:41

 

1

Kiểm tra phòng dịch tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Là một trong những cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, thời gian qua, BV Đa khoa Đức Giang luôn tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát hiện sớm ca bệnh, cảnh báo, tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả 100% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách mời đến BV đều phải khai báo y tế. Với trường hợp có triệu chứng lâm sàng hoặc có yếu tố dịch tễ đều phải làm xét nghiệm ngay lập tức. Trước khi vào viện điều trị nội trú, 100% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dù có triệu chứng hay không đều phải làm xét nghiệm, kết quả âm tính mới được ở lại. Định kỳ, cứ một tuần bệnh nhân xét nghiệm một lần theo đúng quy định. Ngoài ra, 100% nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên nhà ăn, bảo vệ…) tại BV cũng được xét nghiệm 1 tuần/lần. Đến thời điểm này, BV đón tiếp 800 bệnh nhân ngoại trú/ngày, gần 500 bệnh nhân nội trú.

Chia sẻ về vấn đề năng lực, chẩn đoán điều trị, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, tính đến nay, BV đã tiếp nhận và điều trị cho gần 900 bệnh nhân COVID-19. Hiện BV đang điều trị cho hơn 150 bệnh nhân, trong đó có 6 bệnh nhân thở oxy, thở máy, 2 bệnh nhân lọc máu. BV được giao 250 giường điều trị các BN mắc COVID-19. Hiện tại theo phương án 1, BV đang kích hoạt 150 giường, đồng thời đảm bảo sẵn sàng các trang thiết bị phòng hộ, thuốc men…Còn tại BV Đa khoa Đống Đa, thời gian qua vẫn triển khai song song hai nhiệm vụ, vừa khám chữa bệnh, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19. Đến nay, BV đã hỗ trợ, điều trị thu dung cho hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 tại khu Đền Lừ III. Để kiểm soát, linh hoạt, an toàn, đặt cảnh báo phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, 100% người ra vào BV phải khai báo y tế, khai thác các yếu tố liên quan đến những vùng dịch, đặc biệt là vùng đỏ, da cam, vàng để tăng sàng lọc, phân luồng cũng như làm xét nghiệm.

Bảo đảm khả năng thu dung, điều trị

Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa Phạm Bá Hiền cho biết, hiện nay, hàng ngày, BV đón tiếp khoảng từ 600 - 800 bệnh nhân đến khám bệnh; khoảng 30 –70 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cần phải xét nghiệm. Thậm chí, có thời điểm lên tới 100 - 150 trường hợp cần phải sàng lọc, xét nghiệm hàng ngày. Để phòng tránh lây nhiễm, với bệnh nhân nội trú, BV quán triệt không người vào thăm nom. Những trường hợp nặng sẽ cố định người chăm sóc. BV quán triệt nhân viên và bệnh nhân hạn chế giao lưu ở các khoa, phòng, đảm bảo nguyên tắc 5K trong công tác khám, chữa bệnh tại BV và bố trí, sắp xếp phòng khám theo giờ tránh tập trung đông người. Bên cạnh đó, BV đã xây dựng các kế hoạch, phương án để chuẩn bị nhân lực, vật tư, thuốc men, phương tiện phòng hộ, trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi tình hình dịch bệnh tăng lên.Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh các tỉnh phía Nam, Hà Nội xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Để đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đặt cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất, không được chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.“Các đơn vị thường xuyên đánh giá việc thực hiện BV, phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ sở tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ. Sàng lọc chỉ định xét nghiệm cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú, lưu ý tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận chu kỳ, bệnh nhân cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, hội chứng cúm, viêm phổi nặng, thở máy… để chỉ định xét nghiệm, cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh” – bà Hà nhấn mạnh.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đảm bảo sẵn sàng về nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thuốc… phục vụ người bệnh theo các tình huống diễn biến dịch. Đặc biệt lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Theo KTVĐT

comment Bình luận

largeer