Hà Nội phát hiện cơ sở "phù phép" kính áp tròng của Trung Quốc thành của Hàn Quốc

Chỉ cần một vài thao tác cơ bản, hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng các loại có nguồn gốc, nhãn mác Trung Quốc được thay đổi, phù phép thành hàng Hàn Quốc - “Made in Korea”. Các sản phẩm thành phẩm sau đó được rao bán trên các nền tảng thương mại điện tử với giá 45.000 đồng/sản phẩm.
13/07/2022 11:14

Qua một thời gian dài thẩm tra, xác minh, nắm bắt địa bàn, chiều ngày 12/7, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an đột kích một cơ sở gia công, phù phép hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng có nguồn gốc, nhãn mác Trung Quốc thành hàng Hàn Quốc.

Empty

Cơ sở gia công, kinh doanh này có địa chỉ tại ô 129, lô 3 khu tái định cư mở rộng Xuân Phương, phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi nhà có 4 tầng thì có đến 3 tầng dùng để chứa trữ sản phẩm và các nguyên phụ liệu.

Empty

Tòa nhà 4 tầng - nơi sản xuất, kinh doanh kính mắt áp tròng nhãn hiệu Hàn Quốc nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc

Ông Phan Thanh Hà - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 thông tin, qua các bước thẩm tra, xác minh ban đầu, cơ sở này có dấu hiệu đang sản xuất, kinh doanh hàng giả. Hàng hoá là sản phẩm kính áp tròng, đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Trên mỗi sản phẩm đều có nhãn mác, chữ Trung Quốc. Sau khi nhập hàng về, nhân viên tại cơ sở này đã bóc, xé nhãn gốc Trung Quốc thay thế bằng nhãn mác tự thiết kế, rồi đặt in, biến sản phẩm thành hàng "Made in Korea".

Để “sản xuất” được những sản phẩm kính áp tròng có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, cơ sở này đã dùng 2 máy dán nhãn thô sơ. Những chiếc máy này đặt trên tầng 4 của ngôi nhà. Chỉ trong vài phút thực hành, hàng chục sản phẩm kính mắt áp tròng đã được “thay tên đổi họ”.

Empty

Máy móc, phụ tùng, nguyên liệu dùng để thay đổi nhãn mác, nguồn gốc của hàng chục sản phẩm kính áp tròng

Cũng theo chia sẻ của Phó Đội trưởng Phan Thanh Hà, theo quy định, mặt hàng kính áp tròng khi nhập khẩu và kinh doanh phải được cấp phép của Bộ Y tế, và cấp số đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này chưa xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh; chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm, nguyên liệu và không có số đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.

Empty

Sản phẩm kính áp tròng hàng Trung Quốc (2 sản phẩm trái) được phù phép thành hàng "Made in Korea" (2 sản phẩm bên phải) chỉ sau vài thao tác xé, dán cơ bản

Empty

Mỗi ngày, cơ sở này có thể "thay tên đổi họ" cho hàng ngàn sản phẩm kính áp tròng

Thông tin với phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường, nhân viên tư vấn bán hàng của cơ sở này cho biết, hàng hoá tại đây được phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có những nơi đổ buôn, có những chỗ bán lẻ. Kênh tiêu thụ chính của cơ sở này là trên sàn thương mại điện tử với giá 45.000đồng/sản phẩm. Mỗi ngày, có ít nhất 30 khách hàng chốt đơn, đặt hàng.

“Để tư vấn và bán được hàng, em tư vấn đây là hàng Hàn Quốc. Vì hàng Hàn Quốc bao giờ cũng uy tín hơn hàng Trung Quốc, hàng bán có vẻ chạy hơn, được ưa chuộng hơn”, nhân viên tư vấn này cho hay và thừa nhận “đã lừa dối khách hàng, lừa dối người tiêu dùng” khi tư vấn bán hàng giả.

Empty

Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, nếu nhận thấy có dấu hiệu hình sự, lực lượng QLTT sẽ chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ

Phó Đội trưởng Phan Thanh Hà nhận định, đây là vụ việc tương đối lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. “Đây là sản phẩm kính mắt áp tròng, nếu sử dụng phải sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng, không có số đăng ký lưu hành... sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người dùng, nhất là đối với lớp trẻ, những khách hàng là học sinh, sinh viên”, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 đánh giá và nhấn mạnh, trong quá trình kiểm tra, nếu nhận thấy có dấu hiệu hình sự, lực lượng QLTT sẽ chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ.

Ước tính, số kính áp tròng không đủ điều kiện lưu hành bị thu giữ tại cơ sở này lên đến hàng chục ngàn sản phẩm.

Tiến Vương

comment Bình luận

largeer