Hà Nội: Quận Hoàng Mai đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến ca F0, quận Hoàng Mai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nâng giá.
20/08/2021 10:52

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 14 chợ dân sinh với tổng 3000 hộ kinh doanh (2.400 hộ cố định, 600 hộ vãng lai). Bên cạnh đó, có 13 siêu thị, 74 cửa hàng Vinmart+, hơn 200 cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách chỉ còn 1.500 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hoạt động, 3 chợ, 14 cửa hàng Vinmart+ phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến ca F0.

31

 Điểm bán hàng lưu động giúp người dân quận Hoàng Mai yên tâm mua sắm trong thời gian giãn cách xã hội

Là địa bàn đông dân cư, nhu cầu mua bán của người dân tương đối lớn, do đó để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn, UBND quận đã chủ động xây dựng 4 phương án về cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo các cấp độ khác nhau theo diễn biến của dịch bệnh.

Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị 17 của UBND TP về thực hiện giãn cách xã hội, UBND quận Hoàng Mai đã giao Phòng Kinh tế quận ký hợp đồng nguyên tắc với 5 đơn vị gồm: Công ty TNHH MM Mega Market; Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt; Công ty TNHH Hương Việt Sinh; Công ty CP chế biến nông sản Bảo Minh có quy mô hoạt động kinh doanh đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách (tại 1 phường hoặc nhiều phường) trên địa bàn quận. Đồng thời, công khai địa chỉ hơn 300 cửa hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu trên Cổng thông tin điện tử của quận và UBND 14 phường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, 3 chợ, 14 cửa hàng Vinmart+ tạm dừng hoạt động do liên quan đến ca F0. UBND quận đã kịp thời chỉ đạo các phường căn cứ quy mô số dân số đề xuất điểm bán hàng lưu động để cung cấp nhu yếu, thực phẩm cho Nhân dân, đặc biệt đối với các phường không có chợ hoặc chợ tạm dừng hoạt động do dịch bệnh.

Theo đó, đã có 6 phường tổ chức điểm bán hàng cung cấp chủ yếu các mặt hàng thiết yếu cho Nhân dân gồm phường Trần Phú, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Đại Kim, Vĩnh Hưng, Hoàng Văn Thụ. Các điểm bán lưu động được bố trí gần khu vực “vùng xanh” để thuận tiện cho người dân, giảm lượng người phải đi tới chợ.

“Với sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy, UBND quận cùng cách triển khai phù hợp, thiết thực theo từng địa bàn đã góp phần bảo đảm việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, giá cả các mặt hàng cho người dân một cách ổn định. Không có tình trạng khan hiếm, nâng giá hàng hóa trên địa bàn quận Hoàng Mai trong những ngày giãn cách xã hội” - bà Lê Thị Thu Hương cho hay.

30

 Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại gian hàng lưu động

Bà Cù Thị Nghiêm, cư dân nhà A2, Khu đô thị Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ) chia sẻ: “Lúc đầu người dân chúng tôi có phần lo lắng về việc mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, ngay sau đó quận đã tổ chức các điểm bán hàng di động, mặt hàng được bày bán tại đây khá phong phú, từ thịt, cá, gà ,vịt,... đến rau củ, hoa quả, bảng giá được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán giúp người dân chúng tôi yên tâm mua sắm”.

Bên cạnh việc xây dựng triển khai phương án đảm bảo cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn, quận Hoàng Mai còn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại chợ, siêu thị. Quận đã chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ, TTTM, siêu thị treo băng rôn hướng dẫn của Bộ Y tế tại cổng ra vào chợ, siêu thị, TTTM; phát thanh tuyên truyền trên loa truyền vận động người dân đến chợ thực hiện các biện pháp 5K liên tục trong ngày; kiểm soát, hướng dẫn khách hàng vào mua sắm kê khai y tế bằng QR Code hoặc mở sổ ghi chép thông tin của khách hàng; tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực kinh doanh ngoài giờ hoạt động 3 lần/tuần…

Ghi nhận tại các chợ dân sinh như chợ Mai Động (phường Mai Động), chợ Xanh (phường Định Công), chợ Lòng Thuyền (phường Lĩnh Nam)… cho thấy, Ban quản lý các chợ đều thực hiện đóng bớt các cổng chợ, phân luồng rõ lối đi vào – ra. Đồng thời, tiểu thương đã lắp vách ngăn trong suốt giữa các gian hàng, giữa người bán và người mua. Khách vào chợ phải có phiếu đi chợ, thực hiện khai báo y tế và được đo thân nhiệt. Đặc biệt, hầu hết tiểu thương kinh doanh tại chợ đều đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

29

Các sạp hàng tại chợ Xanh (phường Định Công) đều lắp vách ngăn để phòng, chống dịch COVID-19

Ông Hoàng Đình Thanh - Trưởng ban Quản lý chợ Xanh (khu đô thị mới Định Công) cho biết, chợ Xanh có 87 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hoạt động. Lượng khách trung bình mỗi ngày chỉ bằng 1/3 so với trước, mỗi ngày chỉ có 200 - 300 người vào chợ, song để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Ban quản lý chợ duy trì 4 quyển sổ (2 quyển ngày chẵn, 2 quyển ngày lẻ) để ghi thông tin người vào chợ tương ứng theo phiếu đi chợ đã phân chia theo ngày chẵn - lẻ.

Đặc biệt, tại chợ đầu mối phía Nam, sau khi khu vực tập kết xe hạ tải hàng hóa được mở cửa trở lại (ngày 16/8), đơn vị quản lý chợ cũng gấp rút chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm an toàn khi mở lại hoạt động khu vực kinh doanh rau củ, quả và hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân vào ngày 20/8.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, khi chợ đầu mối phía Nam mở cửa trở lại, các tiểu thương phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 7 ngày hoặc test nhanh trong vòng 72 giờ mới được phép kinh doanh. Ngoài ra, yêu cầu đơn vị quản lý chợ đầu mối phía Nam khi gửi danh sách tiểu thương vào kinh doanh phải gửi kèm phiếu xác nhận đã tiêm vaccine của từng người. Việc tiêm vaccine cho các tiểu thương cũng đã và đang được tiến hành tại một số chợ: Lòng Thuyền (phường Lĩnh Nam), Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ)…

Theo KTVĐT

comment Bình luận

largeer