Hà Nội: Sợ COVID-19, dân ở chung cư trang bị camera đo thân nhiệt, quẹt thẻ hạn chế

Dịch bệnh bùng phát, nhiều người ở chung cư lo lắng khó kiểm soát sự an toàn. Một số khu chung cư ở Hà Nội đã nhanh chóng lắp thẻ hạn chế ra vào thang máy, thậm chí trang bị camera đo thân nhiệt.
28/05/2021 08:42

Dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Không ít trường hợp, dịch xuất phát từ các khu chung cư khiến cả tòa nhà bị phong tỏa.

Tại Hà Nội, khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) đã có tòa nhà bị phong tỏa do có bệnh nhân F0. Một số tòa nhà khác cũng buộc phải phong tỏa theo tầng vì có người F1 tiếp xúc trực tiếp với các ca bệnh F0 tại Bắc Ninh. 

Dịch bệnh ập tới khiến cư dân tại khu đô thị Đặng Xá vô cùng lo lắng. Một số tòa nhà đã tự thành lập các Tổ phòng chống COVID cộng đồng và thay nhau trực dưới sảnh để đo thân nhiệt, ghi lại thông tin người ra vào.

Empty

Người dân bỏ tiền riêng để hỗ trợ bảo vệ đo thân nhiệt, ghi thông tin người ra vào

Theo cư dân tại tòa nhà CT6B (khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm), việc cư dân thành lập Tổ phòng chống COVID cộng đồng là để giúp cơ quan chức năng nhanh chóng truy vết ca bệnh nếu không may xuất hiện tại tòa nhà. Người dân nâng cao cảnh giác một phần cùng vì đã có người trong tòa nhà là F1.

"Mỗi buổi sẽ có một người dân sinh sống trong tòa túc trực tại sảnh. Việc trực dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, nhưng ai cũng hăng hái tham gia để đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng nơi mình sinh sống" - một cư dân chia sẻ.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh khó lường nên cư dân sống tại tòa nhà CT6B đã quyết định trích quỹ bảo trì ra để lắp thẻ thang máy. Theo ông Quỳnh - đại diện ban quản trị tòa nhà CT6B, việc lắp thẻ thang máy là để kiểm soát được người ra vào chung cư thời điểm này nhằm tránh để người lạ ra vào mang theo mầm bệnh.

Empty

Cư dân chi hàng chục triệu đồng lắp thẻ thang máy

"Trước đây, thang máy của chung cư ai cũng có thể sử dụng, dẫn tới an ninh bị ảnh hưởng. Nhưng hiện nay, vấn đề phòng dịch được đẩy lên rất cao, nên cư dân đã thống nhất làm thẻ cư dân" - anh Quỳnh nói và cho biết việc làm thẻ cũng gặp phản đối của một bộ phận rất nhỏ cư dân, với những lý do rất cá nhân. Tuy nhiên, đại đa số cư dân đều ủng hộ phương án chống dịch hiệu quả này ngay tại tòa nhà.

Để đảm bảo an toàn, cư dân tại đây còn đồng chí chi thêm một khoản thù lao để hỗ trợ hai bảo vệ đo thân nhiệt, ghi thông tin khách ra vào chung cư. Đồng thời, cư dân cũng bỏ tiền ra để phun khử khuẩn định kỳ một tuần/lần, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất.

Tổng chi phí cho việc lắp đặt thẻ thang máy vào khoảng hơn 30 triệu đồng được trích ra từ quỹ bảo trì. Nhưng các chi phí khác như mua cồn, mua thuốc khử khuẩn, thiết bị phun đều được các mạnh thường quân (chính là cư dân tòa nhà) đóng góp rất lớn, lên tới gần 25 triệu đồng.

Empty

Văn hóa chung cư vẫn còn mới mẻ với nhiều người

Việc tự nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân tại khu chung cư này đã được nhiều nơi học theo. Thậm chí, một số chung cư còn dự định lắp hệ thống camera thông minh, tự động nhận diện khuôn mặt và nhiệt độ.

Theo các cư dân, dù mọi người đều đồng lòng với công tác chống dịch kịp thời của tòa nhà, song một số ít hộ dân vẫn tỏ thái độ không hài lòng về việc lắp thẻ thang máy, với những lý do rất cá nhân như đi bộ không được vì tức ngực, dễ quên thẻ, không xuống tầng 1 nhận đồ giao tới được vì mệt hoặc đi chơi có người về trước phải chờ...

Ngoài ra, do đặc thù thiết kế có chung khối đế, nên quỹ bảo trì của tòa chung cư này gộp chung với một tòa nhà. Vì vậy, khi một tòa triển khai vấn đề gì cần tới quỹ bảo trì, tòa kia không đồng ý cũng dễ dẫn tới những khó khăn. Chính những lý do trên đã làm chậm công tác triển khai chống dịch của cư dân.

Hiện nay, văn hóa chung cư là một khái niệm vẫn còn mới mẻ với nhiều người. Dù sống trong cùng một tòa nhà, nhưng không phải ở đâu, ý thức vì tập thể cũng được đề cao.

Tác giả: Thế Hưng (Dân trí)

comment Bình luận

largeer