Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Công văn số 2009/UBND-KGVX ngày 24/6/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
26/06/2024 09:10

Theo đó, để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) lây lan trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình SXH trên địa bàn Thành phố; thường xuyên đánh giá, dự báo diễn biến dịch SXH trên địa bàn Thành phố để tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống một cách kịp thời, phù hợp tình hình thực tế.

Đồng thời, chủ động tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị bệnh SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống SXH của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát... 

Đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, phương tiện trang thiết bị phục vụ thu dung điều trị, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế, chủ động theo dõi người bệnh và chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân nặng, tử vong đồng thời thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Thông tư 54/2015/TT-BYT. 

sxh1

(Ảnh: Kinh tế đô thị)

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí của Thành phố để tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống SXH, đặc biệt về vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH; chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống SXH để kịp thời định hướng truyền thông vận dụng truyền thông trong phòng, chống dịch đồng thời hạn chế các rủi ro truyền thông tới mức thấp nhất.

UBND Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp, để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh SXH và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ổ bọ gậy tại hộ gia đình mình. 

Phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống SXH để kịp thời định hướng truyền thông, vận dụng truyền thông trong phòng, chống dịch.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch SXH tại cơ sở và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, đặc biệt là công tác phối hợp, huy động lực lượng tham gia hỗ trợ hoạt động xử lý dịch.

Sở Xây dựng chỉ đạo các Nhà đầu tư, chủ công trình các dự án về dự án xây dựng trên địa bàn Thành phố đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường lao động và nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân. Phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch nói chung và phòng, chống SXH nói riêng tại các dự án về xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống SXH tại các cơ sở giáo dục; thông qua kênh truyền thông của Nhà trường để kết nối, hướng dẫn phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Chỉ đạo các nhà trường chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch để phục vụ kỳ thi quốc gia và chuẩn bị cho năm học mới.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu UBND Thành phố về công tác tài chính, đảm bảo kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác phòng, chống SXH; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, điều trị SXH. 

UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống SXH và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn trước UBND Thành phố nếu để ổ dịch SXH diễn biến phức tạp, kéo dài tại địa phương. 

Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH; sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau (băng zôn, pano, áp phích, tờ rơi, loa xã/phường, loa di động, truyền thông trực tiếp, ...) để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. 

Chỉ đạo quyết liệt giám sát phát hiện bệnh nhân và công tác khoanh vùng xử lý ổ dịch ngay sau khi có ổ dịch trên địa bàn, đảm bảo ổ dịch được khống chế nhanh nhất, không để ổ dịch lây lan rộng trên địa bàn. 

Rà soát, tiếp tục thực hiện Đề án phòng, chống SXH của địa phương; đảm bảo sẵn sàng nguồn lực, thiết bị, vật tư, hóa chất… đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong trường hợp không bố trí được nguồn kinh phí của địa phương, báo cáo Sở Tài chính để có giải pháp tháo gỡ; báo cáo UBND Thành phố các nội dung vượt thẩm quyền. 

Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế (xử lý cả những dụng cụ chứa nước chưa có bọ gậy). 

Phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng, chống SXH, đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và công tác tác vận động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Kết quả đánh giá công tác phòng, chống dịch được đánh giá qua số lượng bệnh nhân và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn quản lý. 

Chỉ đạo kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của Sở Y tế; có phân công cụ thể danh sách hộ gia đình, khu vực phụ trách cho từng đội xung kích; phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống SXH đặc biệt vai trò trong công tác giám sát phát hiện sớm người nghi mắc SXH tại cộng đồng, truyền thông phòng, chống dịch và vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong các hoạt động phòng, chống dịch. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH trên địa bàn quản lý, không để tình trạng chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... thuộc phân cấp quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia phòng, chống SXH và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer