Hà Nội: Tập trung xử lý, phòng chống dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng

UBND TP Hà Nội phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan tập trung xử lý, phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, không để lây lan ra diện rộng, theo đúng quy định chỉ đạo của trung ương và thành phố.
20/02/2022 16:24

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1533/VP-KT, truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền về phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan tập trung xử lý, phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, không để lây lan ra diện rộng, theo đúng quy định chỉ đạo của trung ương và thành phố... 

Trước đó, UBND thành phố nhận được báo cáo của Sở NNPTNT về việc phát hiện ổ dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) tại thôn Yên Khoái, xã Thụy An, huyện Ba Vì, phải tiêu hủy 5.500 con gà thương phẩm 3,5 tháng tuổi. Theo nhận định của Sở NNPTNT, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm là rất cao do Hà Nội là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn, là nút giao của nhiều tuyến đường quốc lộ, có chợ đầu mối buôn bán gia cầm lớn nhất cả nước nên việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặt khác, qua kết quả giám sát chủ động virus cúm gia cầm cho thấy, virus này vẫn lưu hành tại các chợ kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố. Điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, rét kèm theo mưa phùn ẩm kéo dài như hiện nay làm giảm sức đề kháng của vật nuôi cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Theo các chuyên gia dịch tễ, virus gây bệnh cúm gia cầm chủng H5N1 là virus độc lực cao, là bệnh cúm gia cầm đầu tiên lây sang người gây bệnh cúm gia cầm, hay còn gọi là cúm chim (tên tiếng Anh Bird flu hoặc avian influenza), ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Nguyên nhân dẫn đến dịch này là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt. Tuy nhiên, bệnh cúm gia cầm chủng A/H5N1 không lây từ người sang người.

Virus A/H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời) và gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng...). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh, hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.

Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm. Do đó, để đảm bảo an toàn, thịt gia cầm cần được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ ở bên trong gia cầm từ 74 độ C trở lên và trứng cần phải chín cả lòng đỏ và lòng trắng.

Hiện tại, virus cúm gia cầm không lây từ người sang người. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, virus H5N1 có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch cho con người.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer