Hà Nội triển khai hoạt động chương trình phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2023

Bệnh viện Phổi Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 262/KH-BVPHN về triển khai hoạt động chương trình phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2023.
07/03/2023 08:27

Phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Cham-soc-benh-nhan-tai-Trun

Người dân sẽ được quản lý, tư vấn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản từ nguồn kinh phí của quỹ bản hiểm y tế ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn

Bệnh viện Phổi Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu cụ thể triển khai thực hiện, bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản; Xây dựng và phát triển mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản từ tuyến thành phố đến cơ sở; Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; Nâng cao kiến thức, kỹ năng khám, phát hiện, tư vấn, quản lý, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho cán bộ y tế; Tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng, trường học cho khoảng 10.000 người phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, từ đó phát hiện được các bệnh nhân mới để đưa vào quản lý theo chương trình, cấp thuốc điều trị lần đầu cho người bệnh ngay sau khi phát hiện; Duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính định kỳ; Thực hiện giám sát định kỳ các hoạt động triển khai tại địa phương, chịu sự giám sát của Ban quản lý dự án Trung ương.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 13 phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính, có được trang bị máy đo chức năng hô hấp đạt chuẩn: Bệnh viện Phổi Hà Nội, các Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Thạch Thất, Thường Tín, Sơn Tây, Bắc Thăng Long, Mỹ Đức và Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, Trung tâm y tế huyện Ba Vì. Củng cố về cơ sở vật chất và nhân lực cho phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính tại Bệnh viện Thạch Thất, Bệnh viện Thường Tín, Bệnh viện Mỹ Đức, Trung tâm y tế huyện Ba Vi. Xây dựng 01 phòng quản lý đạt chuẩn mới tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình. Ngoài ra, các phòng tư vấn có trang bị đạt chuẩn gồm: máy đo chức năng hô hấp, bàn, ghế, máy tính, ống nghe, máy đo huyết áp. Ngay sau khi có phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản thực hiện lưu danh sách bệnh nhân, đơn thuốc. Đảm bảo ít nhất 50% số đơn thuốc kê dùng theo Hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

Củng cố hoạt động mạng lưới các cán bộ quản lý dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại tuyến quận, huyện và xã, phường, đảm bảo các đơn vị có bác sĩ chuyên trách đã được đào tạo chuyên khoa hô hấp tại các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa,… thuộc các Trung tâm y tế. Các phòng khám lao và bệnh phổi cùng với các phòng khám đa khoa khu vực phối hợp chặt chẽ trong việc khám, tư vấn và điều trị các bệnh phổi ngoài lao như viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Lồng ghép hoạt động phát hiện, tư vấn, điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản với mạng lưới quản lý bệnh không lây nhiễm, kết hợp bác sĩ y học gia đình. Các quận, huyện từng bước xây dựng và duy trì hoạt động các đơn vị dự phòng và phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại trạm y tế xã, phường.

Tổ chức quản lý, tư vấn và khám, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản từ nguồn kinh phí của quỹ bản hiểm y tế ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phát hiện, điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phù hợp tại tuyến xã, trước mắt triển khai phát hiện, điều trị dự phòng và điều trị duy trì theo chỉ định của tuyến trên, từng bước tiến tới tự quản lý điều trị ở những trạm y tế xã đủ điều kiện.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế Quốc Oai và Trung tâm y tế thị xã Sơn Tây, trạm y tế các xã, phường tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho 6.000 người từ 45 tuổi trở lên tại 12 xã (7 xã tại huyện Phúc Thọ, 5 xã tại huyện Mỹ Đức) và 6.000 học sinh của 12 trường học của 2 huyện (7 trường của huyện Phúc Thọ, 5 trường của huyện Mỹ Đức).

Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động Câu lạc bộ phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, tổ chức sinh hoạt định kỳ 4 lần/năm. Triển khai hoạt động 5 Câu lạc bộ phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại 5 bệnh viện, gồm: Xanh Pôn, Đống Đa, Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn.

Các bệnh viện duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các phòng tư vấn, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; khám, tư vấn, điều trị vào sổ quản lý theo dõi bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Lưu đơn thuốc tại các phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, đảm bảo trên 50% đơn thuốc được kê theo đúng mức độ nặng của bệnh…

Đối với các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì, củng cố kiện toàn mạng lưới và nâng cao năng lực quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản tại quận, huyện, tiến tới xây dựng mạng lưới tại tất cả các quận, huyện.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer