Học sinh cần được trang bị kỹ năng, để an toàn trong môi trường học trực tuyến và trực tiếp

Trong bối cảnh dịch COVID-19, những địa phương đang kiểm soát được dịch triển khai dạy học trực tiếp vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, việc học trực tuyến tại nhà gây ra nhiều nỗi lo cho phụ huynh khi môi trường trên internet cũng mang lại nhiều rủi ro. Do đó, học sinh cần được trang bị những kỹ năng cần và đủ trong môi trường học tập dù trực tuyến hay trực tiếp.
22/09/2021 15:34

Theo TS Tâm lý Giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, Hà Nội cho rằng: Với học sinh ở lứa tuổi tiểu học nếu “nhồi” vào đầu những con số dịch bệnh hàng ngày, tác hại của dịch theo lý thuyết sẽ khó “thấm” và thấy sợ.

Cha mẹ nên tìm những câu chuyện thực tế ngoài đời sống (gia đình mất người thân, cha mẹ vì dịch; trẻ không có ai chăm sóc, hướng dẫn học tập…) để kể cho con nghe. Từ đó, giáo dục con những kĩ năng phòng dịch cụ thể; nâng cao ý thức, thường xuyên tuân thủ biện pháp phòng dịch.

Thậm chí, có thể tìm trên báo mạng (chính thống) hình ảnh người dân khu cách ly đang sống khó khăn thiếu thốn ra sao; người bệnh đông đúc, thiếu trang thiết bị y tế thế nào... cho trẻ xem và nhận thấy sự nguy hiểm, biết sợ và có ý thức phòng dịch.

Cha mẹ cũng có thể kiểm tra kĩ năng, củng cố kiến thức về phòng, chống dịch của trẻ một cách nhẹ nhàng và hiệu quả thông qua đố hỏi đơn giản (5K là gì? Khử trùng tay khi nào? Giữ khoảng cách tối thiểu bao nhiêu mét? Triệu chứng khi mắc bệnh...).

Đối với học sinh từ THCS, THPT có thể trao đổi hàng ngày cùng những thông tin thời sự, số liệu ca mắc trong nước, thế giới; số lượng người tham gia trực tiếp vào phòng, chống dịch của các ngành nghề… Như vậy, học sinh được tiếp nhận kiến thức trực tiếp và tự nhiên ngay từ gia đình, không còn tư tưởng chủ quan, nâng cao ý thức phòng dịch từ nhà tới trường.

TRANGBIKYNANGCHOHS

Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) cũng đưa ra lời khuyên: Cha mẹ hãy thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi sự ảnh hưởng từ cha mẹ tới ý thức, hành động của trẻ rất lớn, mặt khác, trẻ cũng có xu hướng bắt chước người bên cạnh.

Thêm vào đó, cha mẹ hãy trở thành những người thầy và chủ động trang bị cho con kiến thức, kĩ năng phòng chống dịch ngay từ nhà. Như vậy, khi tới trường kết hợp với hướng dẫn hỗ trợ của thầy cô, việc bảo đảm an toàn phòng dịch càng hiệu quả…

Đồng quan điểm trên, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cảnh báo: Thời 4.0 khuyến khích trẻ sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tiếp thu những kiến thức, kĩ năng… hỗ trợ cho quá trình học tập và cải tiến kĩ năng sống là cần thiết. Tuy nhiên, xu thế là trẻ em khi sử dụng thiết bị công nghệ thường hay tò mò tìm hiểu và xem những nội dung độc, lạ, giật gân… và bắt chước. Điều đó dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.

Cũng theo PGS.TS Võ Nguyễn Kỳ Anh, khi trẻ sử dụng CNTT quá nhiều, bị “nhồi sọ” những nội dung tiêu cực… sẽ ảnh hưởng đến não bộ, không tiếp cận được những thông tin, giá trị tích cực. Sử dụng quá ngưỡng sẽ khiến cuộc sống bị chi phối, thiếu sự kết nối tương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè, xã hội.

Dưới góc nhìn chuyên gia lĩnh vực CNTT, ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển công nghiệp 4.0 Việt Nam (Hà Nội), trao đổi: Google.com là trang web để tìm kiếm mọi thứ mà người lớn và trẻ nhỏ đều có thể sử dụng. Vì vậy, để công cụ tìm kiếm này trở nên an toàn hơn với trẻ, cha mẹ cần kích hoạt bộ lọc tìm kiếm an toàn. Khi được bật, tính năng này sẽ giúp lọc nội dung không phù hợp trong các kết quả tìm kiếm của Google.

Mặc dù, không chính xác 100% nhưng tính năng tìm kiếm an toàn có thể giúp bố mẹ chặn các kết quả không phù hợp khỏi kết quả tìm kiếm trên Google. Đặc biệt, cha mẹ nên bật chế độ hạn chế bởi đây là cách đơn giản nhất và có thể làm ngay mà không cần phải cài thêm bất kì ứng dụng nào khác. Chế độ này sẽ kiểm soát nội dung hiển thị trên YouTube, lọc bớt những nội dung bạo lực, phản cảm hoặc không phù hợp với một số độ tuổi.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer