Học sinh không thể học trực tuyến, rào cản ở đâu?

Mặc dù ngành giáo dục tại các tỉnh thành đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2021 - 2022, nhưng số lượng học sinh tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến còn khá nhiều. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.
03/09/2021 17:02

Khó khăn về trang thiết bị học tập

Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải điều chỉnh thời gian học chính thức của học sinh tiểu học và giáo dục thường xuyên trong năm học 2021 - 2022, thời gian bắt đầu thực học là vào ngày 20/9. Việc điều chỉnh lịch học là do ngành giáo dục tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến nhưng số lượng học sinh tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến còn khá nhiều, khoảng 11.230 em (chiếm 9,72%).

Tại tỉnh Bình Dương, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đối với bậc THPT trên địa bàn có 90% học sinh đáp ứng được việc học online, trong khi đó các bậc học còn lại chỉ đáp ứng khoảng hơn 70%. Đơn cử như trường hợp của em Lê Vỹ, chỉ còn gần 2 tuần nữa, em sẽ bước vào học kỳ 1 lớp 7. Đây sẽ là năm học vô cùng khó khăn với em khi phải học trực tuyến nhưng thiết bị duy nhất em có để học là chiếc điện thoại của bố.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp và có thể kéo dài, qua khảo sát nắm tình hình thực tế đối với học sinh trong việc trang bị các phương tiện phục vụ học tập trực tuyến tại nhà, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT điều chỉnh việc tổ chức các hoạt động dạy và học năm học 2021 - 2022. Theo đó, các cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học bài mới theo phân phối chương trình mà tập trung tổ chức các nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tổ chức các hoạt động cho học sinh, học viên làm quen với hình thức học tập trực tuyến; tổ chức ôn tập kiến thức bài cũ…

Đến khi bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến thì bắt đầu dạy học bài mới (Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện và gửi đến các đơn vị). Bên cạnh đó, các trường khẩn trương thống kê những trường hợp khó khăn về trang thiết bị học tập nhằm phối hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh, doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho học sinh có đầy đủ trang thiết bị để học tập…

hocsinhthieuthietbi

Phụ huynh nan giải khi không thể có thiết bị cho con học

Theo ý kiến của anh Trần Văn Hiếu (TP HCM): Tại sao ngành giáo dục không đưa chương trình dạy học cấp 1 trực tuyến trên kênh truyền hình, làm như vậy rất hữu ích. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện mua laptop cho con hoặc có mạng internet, mà nó còn hệ lụy xấu khi tuổi các cháu còn nhỏ khi phụ huynh thiếu kiểm soát các em vào các trang mạng xấu không lo học.

Còn theo ý kiến của chị Phạm Thị Ngoãn (TP HCM): Các con học lùi lại 2, 3 tháng không sao, học luôn các tháng hè. Học online không hiệu quả mà các gia đình còn khó khăn nhiều. Mạng thì chập chờn, 4g thì gia đình nào đâu cũng đủ sức mua học miết. Lại thêm khoản các con học không tập trung. Giờ sức khoẻ các con quan trọng nhất. Lùi lại để dập dịch cho ổn định là tốt nhất thời điểm này.

Anh Trần Khánh (Hà Nội) kiến nghị: Nên dời hết các cấp học vì bây giờ nhà nào cũng khó khăn, tổn thất tinh tần, sức khỏe và người thân. Hai năm nay nhiều em bị hỏng kiến thức rất nhiều. Chạy đua thời gian gây sức ép lớn cho giáo viên và học sinh. Lược bỏ chương trình gây bất lợi cho các em khi lên lớp lớn hơn hoặc khi vào trung cấp, cao đẳng, đại học. Thời gian này nên cho các em ôn bài trên truyền hình, Youtube. Đẩy nhanh tốc độ tiêm cho trẻ em. Đến tháng 11 hoặc 12, nếu dịch chưa được kiểm soát, em nào không đủ điều kiện học online thì đến lớp học, quy định số học sinh ít, giữ khoảng cách. Em nào đủ điều kiện thì ở nhà học online. Cuối năm em nào muốn du học thì làm đơn để được thi sớm cho kịp thời gian làm thủ tục du học, các em còn lại năm nay không nghỉ hè.t

Phụ huynh Nguyễn Sang (TP HCM) cũng đưa ra kiến nghị gửi UBND TP.HCM, Bộ GD&ĐT: Mong lùi thời gian nhập học sau khi hết thời gian giãn cách xã hội một cách hợp lý. Trong tình hình TP đang gồng mình chống dịch, ai ở đâu ở đấy, người dân chỉ được đảm ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhiều gia đình không có thu nhập, cạn kiệt nguồn tiết kiệm, mà phải sắm sửa trang thiết bị để học trực tuyến là điều bất khả khi. Hơn nữa, thực tế cho thấy, các đợt giãn cách trước đó, việc học trực tuyến của các cháu mang tính đối phó là chính, nên cần phải giảm tải để đi vào trọng tâm, vì xu hướng của thời đại là học cả đời, tự đào tạo và cái gì không biết thì có thể tìm trên google. Do đó, việc học nhồi nhét là không cần thiết, mà làm gì có ai có tâm trạng để học và hành trong khi nguy cơ bệnh tật đang rình rập gia đình và người thân, sự thiếu thốn cái ăn cái uống thuốc men.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer