Hỏi - đáp về chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam: Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin lên môi trường
Chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng tới đất nông nghiệp như thế nào?
Chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng trực tiếp đến đất nông nghiệp, làm cây chết ngay hay không thể phát triển được. Với hàm lượng cao vi sinh vật bị chết, số lượng các vi sinh vật đất giảm làm đất kém màu mỡ. Sự trao đổi chất của các cơ thể sinh vật sống trong đất giảm, năng suất cây trồng nông nghiệp kém hiệu quả.
Có nên trồng cây nông nghiệp trận đất nhiễm dioxin không?
Tại các vùng đất có độ tồn lưu dioxin trên ngưỡng 250ppt thì không nên trồng cây nông nghiệp. Nếu trồng, cây có thể vẫn mọc và cho quả, nhưng khi canh tác, thu hoạch và chế biến, do sơ suất có thể dẫn đến tiếp tục phát tán dioxin gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số nước phát triển qui định ngưỡng dioxin cho đất sản xuất nông nghiệp là 250ppt và phi nông nghiệp là 1.000ppt. Nếu đất có độ tồn lưu dioxin dưới ngưỡng 250ppt thì có thể sử dụng để sản xuất nông nghiệp.
Dioxin tích tụ ở tầng nào của đất?
Dioxin thường tích tụ ở tầng mặt của đất (từ 0 - 40cm). Tuy nhiên, trên thực tế ở những “điểm nóng”, dioxin có thể di chuyển xuống tầng đất sâu hơn. Ở vùng trũng và ao hồ, dioxin tích tụ ở tầng đáy và bám vào những rễ, mặt dưới lá cây thủy sinh.
Dioxin có tồn lưu cao trong môi trường nước không? Hiện nay dioxin còn tồn tại trong môi trường nước ở các vùng bị rải chất độc da cam/dioxin không?
Vì dioxin rất khó hòa tan trong nước nên không có tồn lưu dioxin cao trong môi trường nước. Nước suối trong rừng hiện nay ở các vùng bị rải trước kia có thể sử dụng được nếu xét theo khía cạnh nhiễm dioxin, tuy nhiên các chất khác và các yếu tố khác có thể làm nước không uống được.
Khi phun rải xuống các vực nước, chất độc da cam/dioxin sẽ vận chuyển như thế nào?
Khi phun rải vào các vực nước, chất độc da cam/dioxin sẽ vận chuyển theo quy luật chung sau đây:
- Nếu là vực nước đứng, không chảy: Chất độc sẽ lắng đọng xuống đáy tích tụ ở lớp bùn và các chất lơ lửng bám ở thực vật, lâu dài có thể sẽ theo dòng nước ngầm chảy ra sông suối rồi ra biển.
- Nếu là nước chảy, chúng sẽ được vận chuyển cùng dòng nước, nhanh hay chậm tùy theo địa hình
Vì sao Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin để phá rừng trong chiến tranh ở Việt Nam?
Vì rừng là căn cứ địa của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã dùng chất độc da cam/dioxin nhằm phá rừng, tìm và diệt căn cứ cách mạng, ngăn chặn các cuộc hành quân của bộ đội và hủy hoại hoa màu.
Từ năm 1961 đến 1971 rừng nội địa và rừng ngập mặn là đối tượng chính bị tác động nặng nề nhất. Trên 80% tổng số phi vụ rải chất độc da cam/dioxin của các chiến dịch được tiến hành trên lãnh thổ có rừng với tổng diện tích bị rải chất độc là 3,06 triệu ha trong đó:
- Diện tích rừng nội địa là: 2,9 triệu ha.
- Diện tích rừng ngập mặn là: 0,16 triệu ha.
Chất độc da cam/dioxin đã ảnh hưởng tới rừng như thế nào?
Chất độc da cam/dioxin đã để lại hậu quả tức thời và lâu dài đối với các hệ sinh thái rừng:
Hậu quả tức thời: Trên 3,060 triệu ha rừng bị tàn phá ở các mức độ khác nhau, làm mất đi 112 triệu m3 gỗ. Ngoài ra nhiều nguồn tài nguyên lâm sản khác như: Cây thuốc, song mây, dầu nhựa, thú rừng bị tiêu diệt.
Hậu quả lâu dài: Hệ sinh thái rừng bị thay đổi, đất rừng bị xói mòn. Cỏ tranh, tre nứa, cây bụi xâm lấn và thay thế cây rừng. Môi trường rừng xấu đi, gây trở ngại khó khăn cho rừng tái sinh phục hồi. Đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 hệ sông bị tàn phá đã gây ra nhiều lũ lụt cho vùng hạ lưu.
Những địa phương nào có rừng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc da cam/dioxin?
Trong chiến tranh chống Mỹ, hầu hết các tỉnh thành từ Quảng Trị tới Cà Mau bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin với các mức độ khác nhau:
- An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang bị rải dưới 10% diện tích.
- Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hậu Giang, Long An, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thuận Hải, Minh Hải, Cửu Long bị rải từ 10% - 20% diện tích.
- Quảng Ngãi, Bến Tre, Phú Yên, Quảng Trị, Bình Định bị rải từ 20% - 30% diện tích.
- Thừa Thiên Huế, Tây Ninh bị rải từ 40% - 50% diện tích.
- Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai bị rải trên 50% diện tích.
Rừng bị hủy hoại nhiều nhất thuộc các vùng sau:
- Vĩ tuyến 17 tỉnh QuảngTrị.
- Dọc biên giới Việt - Lào có đường mòn Hồ chí Minh từ Quảng Trị tới Kon Tum (Hương Hóa, A Lưới, Sa Thầy, DakLây,...).
- Vùng Đông Nam bộ (Chiến khu C, chiến khu D, Bời Lời, Tam giác Sắt...).
- Năm Căn - tỉnh Cà Mau.
- Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên tắc chọn loại cây trồng rừng trên vùng đất bị hủy hoại?
Phù hợp với điều kiện khí hậu (để cây sống) và thích nghi với điều kiện lập địa đất đai (quyết định sức sinh trưởng hay năng suất cây trồng). Nguyên tắc này là cơ sở quan trọng nhất hình thành nên các kiểu rừng tự nhiên và cơ sở chọn cây trồng rừng. Ngoài ra chú ý tới loại cây rừng sinh trưởng nhanh, có khả năng cải tạo đất, sản phẩm đem lại lợi ích kinh tế cho người lao động, có nguồn giống và kỹ thuật không phức tạp.
Đối tượng lựa chọn: Là các loài cây gỗ để sau khi trồng sẽ tạo thành rừng.
Mục tiêu lựa chọn:
- Phục hồi sinh thái rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc tại các vùng do chiến tranh tàn phá trước đây.
- Trồng rừng lấy gỗ, lâm sản ngoài gỗ.
Với hai mục tiêu trên, chỉ tập trung vào những cây thân gỗ trồng thành quần thể rừng (có chiều cao >5m, có khả năng hình thành tầng tán...) nhằm từng bước phục hồi tiểu khí hậu, đất đai và các quần thể sinh vật (thực vật, động vật, vi sinh vật...).
Chi phí cho công tác trồng rừng trên vùng bị rải chất độc?
Chi phí trồng rừng cho 1 ha (trồng năm 2002). Nếu trồng rừng thâm canh có bón phân trên 10 triệu đồng/ha.
Mô hình: Keo lá tràm.
Mật độ trồng: 2000 cây/ha 5-7 triệu đồng/ha.
Trồng cây bản địa khoảng 13-15 triệu đồng/ha.
Chi phí cho công tác trồng rừng trên vùng bị rải chất độc hóa học phụ thuộc vào mục đích trồng rừng, điều kiện tự nhiên, loài cây trồng và kỹ thuật trồng và thời giá.
Trồng rừng trên vùng bị rải chất độc hóa học (CĐHH) gặp khó khăn gì?
Hiện trường rộng, còn nhiều tàn dư của chiến tranh như bom, đạn chưa nổ, các hóa chất độc... do đó xử lý thực bì khó khăn ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động. Ngoài ra việc lựa chọn loài cây trồng phù hợp cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Phục hồi rừng sau chiến tranh hóa học bằng cách nào? Rừng có tự phục hồi được không?
Có 2 con đường phục hồi rừng sau chiến tranh hóa học:
- Phục hồi rừng tự nhiên: Nhằm lợi dụng cây tái sinh tự nhiên có sẵn trong rừng, chăm sóc nuôi dưỡng dần dần lớn lên góp phần phục hồi rừng. Phương thức này chỉ áp dụng ở nơi bị ảnh hưởng nhẹ của chất độc hóa học, còn có tán rừng, có cây mẹ. Tuy nhiên đòi hỏi thời gian dài nhưng ít tốn kém.
- Phục hồi rừng nhân tạo: Trồng lại rừng là cách phục hồi nhanh nhất áp dụng chủ yếu những nơi bị rải nặng nề, hiện trạng có ưu thế là cỏ Mỹ, cỏ tranh, lau chít, chè vè, không có cây gỗ tái sinh, khả năng tự phục hồi rất khó khăn. Đòi hỏi đầu tư kinh phí và công sức lớn.
Chất độc nào đã làm cây chết trong chiến tranh hóa học?
Chất độc da cam/dioxin sử dụng trong trong chiến dịch Ranch Hand và trong suốt cuộc chiến tranh tại miền Nam bản chất là 2,4,5-T và 2,4-D có tác dụng làm rụng lá được sử dụng với nồng độ cao gấp hàng chục lần liều sử dụng để diệt cỏ trong nông nghiệp. Hơn thế nữa, các chất này được rải đi rải lại nhiều lần theo các chu kỳ đã được nghiên cứu rất kỹ đã làm cho đa số cây trong rừng ở các tầng khác nhau bị rụng lá hoàn toàn. Kết quả là cây không còn khả năng trao đổi chất và chết.
Các loại bom, đạn, bom napan cùng với chất độc hóa học tiếp tục tàn phá rừng, tạo nên cháy rừng và môi trường rừng hoàn toàn bị thay đổi.
Những loài cây nào sống sót được sau chiến tranh hóa học?
Hàng trăm loài cây rừng bị chết sau chiến tranh hóa học bao gồm các đại diện chính sau: cây Đước (Rhizophora apiculata), Vẹt đen (Bruguiera sexangula), Bần chua (Sonneratia caseolaris)... của rừng ngập mặn. Một số loài trong rừng nội địa như sến mủ (Shorea cochinchinensis), Chai (Shorea thorelii), Kiền kiền (Hopea pierrei), Thông nàng (Podocarpus imbricatus). Chỉ có một số ít loài cây có khả năng chống chịu được với chất độc điển hình như: cây Kơnia (Irvingia malayana), cây Cám (Parinari annamensis)...
Bao nhiêu diện tích rừng ngập mặn đã bị rải chất độc da cam/dioxin?
Diện tích rừng ngập mặn ở Nam bộ bị rải là 160.000 ha, trong đó có 36.000 ha ở khu Rừng Sát (Đông Nam bộ), 50.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau là 74.000 ha.
Ở những địa phương nào, rừng ngập mặn bị ành hưởng nặng nề nhất?
Hai vùng bị rải chất độc da cam/dioxin bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: khu Rừng Sát và mũi Cà Mau. Quân đội Mỹ đã tiến hành 299 lần rải với 927.116 ga lông (1 ga lông = 3,78 lít) chất độc da cam/dioxin lên khu Rừng Sát. Từ năm 1966 đến 1970, rừng ngập mặn ở Cà Mau đã bị rải 669.548 ga lông chất độc dacam/dioxin.
Bao nhiêu gỗ của rừng ngập mặn bị thiệt hại tức thời do chất độc da cam/dioxin gây ra?
Rừng ngập mặn có nhiều loài cây cho gỗ tốt như: đước, vẹt, cóc. Số lượng gỗ bị thiệt hại tức thời là 21.958.506m3 gỗ tốt, trong đó khu vực Rừng Sát bị mất 1.979.639m3, rừng ngập mặn Cà Mau mất 19.978.867m3. Số gỗ kém giá trị hơn tập trung ở khu Rừng Sát thuộc Cần Giờ bị mất là 88.935m3 và Đồng bằng sông Cửu Long là 2.420.040m3.
Những loài cây nào trong rừng ngập mặn sống sót sau chiến tranh hóa học?
Vùng rừng ngập mặn sau khi bị rải 2 lần trở lên thì tất cả các loài cây đều bị rụng lá. Sau một thời gian thì loài giá tái sinh, đặc biệt cây chà là tái sinh mạnh bằng chồi gốc, cây mắm trắng cũng có thể tái sinh tự nhiên, còn các loài cây khác đều bị chết.
Chất độc da cam/dioxin tác động đến rừng ngập mặn như thế nào?
Rừng ngập mặn là một trong những rừng bị thiệt hại nặng nề nhất do tác động của chất độc da cam/dioxin. Khi mất rừng, đất bị biến thành đất chua mặn không có loại cây trồng nào có thể sống được; các động vật ở nước, đặc biệt là các loài hải sản giảm mạnh vì mất nơi sinh sống, nơi nuôi dưỡng
Những loài cây ngập mặn nào nhạy cảm với chất độc da cam/dioxin?
Trong số cây ngập mặn có các loài bần như bần chua, bần trắng, bần ổi là những loài cây nhạy cảm nhất đối với chất độc da cam/dioxin. Cây bần héo lá rồi rụng. Các loài cây ngập mặn đều chết sau từ 2 đến 4 lần bị rải chất độc da cam/dioxin.
Có nên sử dụng các sản phẩm của rừng bị nhiễm độc không?
Sử dụng các sản phẩm từ rừng bị rải chất độc cần được chú ý làm sạch và bóc vỏ. Vì thành phần của chất độc hóa học chủ yếu là 2,4,5-T và 2,4-D chứa 2,3,7,8-TCCD và 1,2,3,7,8-PeCDD và một số chất chứa vòng thơm khác tồn tại trong môi trường, thời gian bán hủy rất khác nhau từ vài tháng đến hàng trăm năm. Tuy nhiên hầu như cây cối không hấp thụ các chất trên. Chỉ có rất ít cây thuộc họ bầu bí có khả năng hấp thụ dioxin và các chất tương tự dioxin, tích tụ tại ngọn của cây. Dioxin có thể cùng với đất mùn đeo bám vào rễ, vỏ ngoài của của các loại củ.
Những loài cây gỗ nào có khả năng trồng lại ở những vùng bị rải chất độc da cam/dioxin?
Các loài cây để trồng lại rừng rất đa dạng. Hiện tại, tùy điều kiện tự nhiên của từng vùng bị rải chất độc da cam/dioxin nhân dân đã chọn lựa trồng lại các loài như sau:
Thông 3 lá (Pinus khasya),Thông 2 lá (Pinus merkusiana), Keo lai (Acacia hybrid), Keo tai tượng (Acacia mangium), Bạch đàn trắng (Eucaluptus camaldulensis), Dầu rái (Dipterocarpus alatus), Dầu song nàng (D.dyeri), cây Quế (Cinnamomum cassia), cây Đước (Rhizophora apiculata), cây Cao su, cây Điều.
Dioxin có gây hại đối với thực vật không? Vì sao?
Dioxin không phải là một độc tố đối với thực vật nên không thấy tài liệu khoa học nào nói về tác hại của dioxin đối với thực vật. Đại bộ phận thực vật không hút dioxin trong đất để chuyển lên cây, lá và quả vì thực tể dioxin không tan trong nước lại bám rất chắc vào mùn hữu cơ trong đất. Ngoại trừ các cây họ bầu bí có thể hút được dioxin trong đất và chỉ tích tụ ở ngọn. Cây chết do lá bị rụng bởi 2,4,5-T và 2,4-D
Chất độc da cam/dioxin có ảnh hường tới động vật hoang dã không?
Có. Vì chất độc này đã làm hủy hoại hầu như hoàn toàn thảm thực vật rừng, cấu trúc rừng bị phá vỡ, môi trường rừng hoàn toàn thay đổi. Môi trường sống của các loài động vật hoang dã không còn, chúng không thể sống, tồn tại và phát triển.
Nguồn nước bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khiến các loài cá, tôm cua, ếch nhái, thú rừng uống nước nhiễm độc cũng bị chết. Chất độc da cam/dioxin đã phá vỡ từng mắt xích thức ăn trong chuỗi dinh dưỡng của động vật ở những nơi nồng độ thấp, phá hủy hoàn toàn chuỗi thức ăn ở những nơi có nồng độ cao. Chính sự phá vỡ ấy làm ảnh hưởng gián tiếp đến cấu trúc thành phần loài và số lượng cá thể cùa các loài động vật.
Tại sao cũng không thấy các loài thú lớn, thú linh trưởng xuất hiện khi chất độc da cam/dioxin không còn tồn lưu trong rừng?
Các chất độc da cam/dioxin hiện nay không còn ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin, các loài động vật cỡ lớn như bò tót, nai, hổ, báo, vượn, khỉ... rất ít gặp. Hiện nay tại các vùng này chỉ gặp các loài thú nhỏ có tuổi thọ thấp như các loài chuột, chồn... Một số động vật hoang dã không thể tồn tại và phát triển trong khu vực bị rải chất độc da cam/dioxin vì các vùng này trở nên hoang tàn, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới đã hoàn toàn biến mất, nơi sống thích hợp cho các loài này không còn nữa. Vẫn nói trước kia là rừng rậm thì nay biến thành hệ sinh thái cây bụi như chít (Thysanolaena), chè vè (Miscantus gaponica), lau sậy (Shaccarum), sim, mua (Melastoma), cỏ tranh (Imperata Cylindrica), cỏ Mỹ (Pennisetum polystachyon). Sự hồi phục lại thảm rừng như trước đây đòi hỏi thời gian khá dài vì lớp đất bề mặt đã bị xói mòn rửa trôi, đất đai khô cằn, nguồn giống cũng không còn. Vì vậy sự xuất hiện trở lại của các loài thú lớn, chim thuộc diện quý hiếm là rất ít.
Tại khu rừng vùng Mã Đà - thuộc tỉnh Đồng Nai cho đến nay vẫn không thấy xuất hiện các loài động vật thuộc diện quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có phải do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin không?
Đúng vậy, tại các khu vực này đã từng có sự hiện hữu các loài động vật thuộc diện quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Bò tót (Bos gaurus), Bò rừng (Bos banteng), Trâu rừng (Bubalus bubalis), Nai (Cervus unicolor), Hổ (Panthera tigrís), Báo hoa mai (Pauthera pardus), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Vượn (Nomasus gabrielae), Vọc, Khỉ, Công (Pavomuticus), Gà tiền mặt đỏ (Polylectron germani), Trĩ sao (Rheinartia ocellata). Các loài Trăn, Rắn, Rùa, Tắc kè... Sau 36 năm rừng bị rải chất độc da cam/dioxin không thấy xuất hiện ở các khu vực đã bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin nặng nề như rừng Mã Đà - Đồng Nai... không thấy xuất hiện các loài thú, chim nói trên. Trước kia tại đây đã có 55 loài thú, thuộc 22 họ, 40 giống, nằm trong 8 bộ và đến nay chỉ còn lại 31 loài thú, thuộc 22 giống, 20 họ. Như vậy, do chất độc da cam/dioxin, rừng Mã Đà mất đi 18 giống tức là đã giảm 50% số giống thú, mất đi 24 loài giảm 56,3% loài, và giảm 2 họ (9%). Những giống loài thường gặp hiện nay đều thuộc nhóm động vật phổ biến.
Có phải do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin mà tại thung lũng Asor, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến nay vẫn vắng bóng loài thú lớn?
Thừa Thiên Huế liền kề biên giới Việt - Lào, là nơi được đánh giá có sự đa dạng sinh học cao. Đặc biệt đối với các loài chim và thú rừng có giá trị kinh tế thuộc diện quý hiếm, có tới 50 loài thú chưa kể bộ Dơi (Chiroptera). Hơn 40 mươi năm sau khi chất độc da cam/dioxin được rải xuống vùng này nhân dân không còn gặp bất cứ loài thú lớn nào.
Khi trong rừng không còn các loài thú linh trưởng (khỉ, voọc, vượn, các loài sóc), các loài chim thì việc tái sinh rừng tự nhiên cũng bị ảnh hưởng? Tại sao?
Các cây rừng và các loài động vật sinh sống trong rừng có mối quan hệ qua lại hết sức chặt chẽ và phức tạp, tạo nên sự cân bằng của hệ sinh thái rừng. Cây rừng là nguồn thức ăn, là nơi trú ẩn của các loài động vật, ngược lại các loài cây rừng để phát triển một cách thuận lợi cần có các loài động vật. Các loài côn trùng, nhiều loài chim giúp cây rừng thụ phấn hoa; nhiều loài chim, sóc, chồn, khỉ phát tán hạt cây rừng. Động vật đào bới làm xốp đất, cung cấp nguồn phân bón quan trọng cho cây... Chất độc da cam/dioxin đã giết chết cây rừng, các động vật rừng bị mất nơi cư trú và nguồn thức ăn đã chết hoặc di chuyển đi đến nơi khác. Như đã nói ở trên, động vật có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các loài thực vật. Muốn phục hồi rừng đã bị chất độc da cam/dioxin phá hủy thì phải bảo vệ các động vật còn lại trong rừng.
Tại sao trong các khu rừng bị rải chất độc da cam/dioxin, các loài thú như nai, bò rừng, hoẵng, lợn rừng bị biến mất thì các loài thú ăn thịt lớn như hổ, báo cũng vắng bóng?
Các loài thú như nai, hoẵng, lợn rừng là thức ăn chính của các loài thú ăn thịt lớn như hổ, báo. Chất độc da cam/dioxin đã làm suy giảm số lượng các loài thú ăn thịt lớn nguyên nhân là do các động vật là con mồi đã bị tuyệt chủng hoặc tồn tại với số lượng rất thấp không đủ cung cấp thức ăn cho chúng sinh sôi và phát triển. Điều này đã từng xảy ra ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin như: vùng Mã Đà (Đồng Nai), đồi Sặc Ly (Kon Turn), A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Điều đó thể hiện mối quan hệ giữa các chuỗi dinh dưỡng tự nhiên trong các hệ sinh thái.
Theo Chính quyền Mỹ thì chất độc da cam/dioxin chỉ là chất diệt cỏ, tại sao các quần thể động vật hoang dã lại bị chết?
Rừng là nơi sinh sống và cung cấp thức ăn cho tất cả các loài động vật trong rừng. Rừng càng phong phú thì các loài động vật càng nhiều, khi rừng bị suy thoái bởi chất độc da cam/dioxin thì động vật càng nghèo đi. Mức độ suy thoái càng cao thì số loài động vật càng ít. Thực chất chất độc da cam/dioxin không chỉ đơn thuần là chất diệt cỏ mà là chất độc hóa học hủy diệt hệ thực vật của rừng, mà thực vật lại là thức ăn cho nhiều loài động vật.
Dioxin có tồn lưu trong động vật ờ những nơi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin không?
Như đã đề cập ở trên, động vật ăn các thức ăn có nhiễm dioxin sẽ không chết do hàm lượng nhỏ, nhưng nếu cứ ăn liên tục và nguồn nhiễm vẫn còn thì dioxin sẽ được tích tụ ngày càng nhiều ở mô mỡ của động vật. Hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện dioxin tồn tại trên mức cho phép trong mỡ của cá, rùa, lươn... ở những nơi bị nhiễm ô nhiễm nặng chất độc da cam/dioxin (đặc biệt ở các các điểm nóng như ở ĐàNẳng, Biên Hòa, ASo).
Vi sinh vật và nấm có bị ảnh hưởng bởi chật độc da cam/dioxin không?
Vi sinh vật, trong đó có nấm bị ảnh hưởng do tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam/dioxin. Các cơ thể vi sinh vật và nấm tuy dễ thích nghi với sự thay đổi của điều kiện sống hơn các cơ thể bậc cao, nhưng khi lượng chất độc da cam/dioxin trong đất lớn thì đa số vi sinh vật và nấm đều bị chết, số còn lại thích nghi dần và có loài đã bị đột biến, nếu chúng sử dụng được nguồn đường hay các nguồn cacbon khác có trong môi trường để sinh trưởng và phát triển thì chúng lại có khả năng phân hủy các chất độc. Tuy nhiên chất độc da cam/dioxin đã làm giảm số lượng vi sinh vật đất, giảm sự đa dạng về chủng loài. Nấm bị ảnh hưởng nhiều hơn so với vi khuẩn vì chúng là cơ thể đa bào.
Vi sinh vật đóng vai trò như thế nào đối vời hệ sinh thái bị rải chất độc da cam/dioxin?
Vi sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, số lượng và thành phần loài của chúng là chỉ thị cho sự màu mỡ và độ phì nhiêu của đất. Khi chất độc da cam/dioxin tiếp xúc với vi sinh vật đất và bùn đã làm số lượng vi sinh vật giảm rất lớn, thay đổi thành phần loài kéo theo sự thay đổi sinh thái rừng.
Trong các cơ quan của cá trắm cỏ, hàm lượng dioxin chứa trong gan là rất cao, tiếp đến là mỡ, sau đến là trứng và thấp nhất là cơ. Kết qur nghiên cứu này có ý nghĩa gì?
Dioxin là độc tố sinh thái có hệ số độc cao nhất, đặc biệt, dioxin có trong chất diệt cỏ đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ăn các thức ăn, đặc biệt là mỡ có chứa dioxin, con người cũng như động vật đều bị phơi nhiễm ở mức độ khác nhau. Nếu ăn nhiều lần với thời gian dài, dioxin tích lũy dần trong cơ thể, người bị nhiễm có thể bị mắc nhiều loại bệnh và có thể tử vong do bị bệnh. Cá trắm cỏ là loài cá nuôi. Phân tích các cơ quan của cá trắm cỏ nuôi ở ao vùng A Lưới gần đây cho thấy hàm lượng dioxin rất cao. Lần lượt từ cao đến thấp là gan, mỡ, trứng và cơ. Nếu ta ăn cơ cá, ta sẽ bị ngộ độc ít hơn ăn các bộ phận còn lại. Tốt nhất là ta không nên ăn cá trắm cỏ nuôi ở vùng thuộc điểm nóng.
Tại sao ngư dân không đánh bắt được cá to nữa sau khi ao, hồ, sông suối bị rải chất độc da cam/dioxin?
Các ao, hồ, sông suối khi bị rải chất độc da cam/dioxin nặng nề, các sinh vật sống ở đó nói chung và các loài cá nói riêng hoặc bị chết hoặc phải phát tán đi nơi khác.
Sau một số lần rải người dân không đánh bắt được cá to nữa mà chỉ còn cá nhỏ đó là do tác động của chất độc da cam/dioxin không phải là tác động trực tiếp do phơi nhiễm. Đó là tác động tích lũy dioxin theo chuỗi thức ăn mà trong cơ thể cá cỡ lớn hàm lượng chất độc cao và bị chết.
Các nhà khoa học Canada và Việt Nam khi phân tích hàm lượng dioxin chứa trong các cơ quan của loài cá trắm cỏ nuôi tại ao cá ở A Lưới rất cao. Họ cho rằng nguồn gốc của dioxin này là từ chắt độc da cam/dioxin rải trong chiến tranh. Như vậy có đúng không?
Đúng. Khi phân tích hàm lượng dioxin chứa ở trong các cơ quan của loài cá trắm cỏ nuôi ở A Lưới và nuôi ở các nơi khác, các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc dioxin ở đây là từ chất độc da cam/dioxin rải trong chiến tranh xuống vùng này. Ở các nơi khác cá không bị nhiễm là do không bị rải. Dioxin có mặt ở lớp bùn đáy và bám vào các loài cỏ và rong làm thức ăn. Cá trắm cỏ kiếm ăn ở lớp bùn đáy, ăn các loài cỏ và rong rêu nên đã nhiễm độc dioxin.
Tại sao loài cá cháo biển bị biến mất ở rừng ngập mặn cần Giờ vì bị rải chất độc da cam/dioxin?
Loài cá cháo biển là loài cá sống ở rừng ngập mặn miền Nam, nhất là ở rừng Cần Giờ thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng lấy rừng ngập mặn làm nơi ở, nơi kiếm ăn. Trong chiến tranh, rừng Cần Giờ bị rải chất độc da cam/dioxin rất nặng nề. Hầu như toàn bộ cây của rừng ngập mặn ở đây đều bị hủy hoại. Các loài cá sống ở rừng ngập mặn đều bị chết hoặc phải bỏ đi sống ở nơi khác trong đó có loài cá cháo biển. Gần đây, ngư dân ở vùng này đã thấy lại chúng nhờ rừng ngập mặn đã được phục hồi.
Tại sao nói các động vật đáy (cá trê, lươn, ốc, trai...) bị ảnh hưởng nặng chất độc da cam/dioxin hơn so với các động vật bơi lội (cá mè, tôm, tép...)?
Mỗi loài động vật đều có phản ứng khác nhau đối với cùng một liều lượng chất độc da cam/dioxin. Mức độ và thời gian phơi nhiễm cũng có ảnh hưởng khác nhau. Ao hồ khi bị rải chất độc da cam/dioxin các loài động vật sống ở đáy bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các động vật bơi lội là do các đặc trưng trên. Động vật sống ở đáy đương nhiên bị phơi nhiễm liên tục vì dioxin tích lũy chính ở tầng đáy và mức độ cao hơn ở tầng nước.
Các loài: cá, tôm, cua, ốc khi bị rải chất độc da cam, loài nào sẽ bị chết trước?
Sống trong cùng một vực nước, Cá, tôm là loài nhạy cảm dioxin sẽ chết trước nếu phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; Cua, ốc là loài sẽ chết sau vì giới hạn chịu đựng của chúng cao.
Các loài động vật thủy sinh, mỗi loài đều có giới hạn chịu đựng tác động của cùng một độc tố riêng.
Loài có giới hạn chịu đựng thấp là loài nhạy cảm, hàm lượng độc tố thấp cũng bị chết.
Có được nuôi cá, ăn cá ở các hồ ao có bùn nhiễm nặng dioxin hay không? Vì sao?
Không được nuôi cá, ăn cá ở các hồ ao có bùn nhiễm dioxin nặng, vì cá thường kiếm thức ăn trong lớp bùn, như vậy dioxin trong bùn sẽ theo vào cơ thể cá và tích tụ trong cá. Con người ăn phải các loại cá này sẽ bị nhiễm dioxin.
Các loài rong nước, tảo, bèo... sẽ phản ứng thế nào nếu bị rải chất độc da cam/dioxin?
Giống các thực vật sống trên cạn, các thực vật thủy sinh như các loài rong nước, tảo, bèo... nếu bị rải chất độc da cam/dioxin cũng sẽ bị chết.
Tùy theo nơi sông, các loài bèo sông trôi nổi trên mặt nước do bị phơi nhiễm trực tiếp sẽ chết trước, các loài tảo, rong nước... sống trong nước nên chết sau.
Có nên trồng cây lương thực, hoa màu tại những vùng chưa tẩy độc hết không? Tại sao?
Độ tồn lưu của chất độc trong môi trường thuộc phạm vi những vùng bị phun rải hiện nay đã ở mức cho phép có thể tiến hành sản xuất nông nghiệp bình thường.
Hiện nay, tại các sân bay quân sự cũ, nơi tập kết của kho tàng chứa chất độc da cam/dioxin, đưa lên máy bay đi phun rải và rửa máy bay sau khi phun rải độ tồn lưu còn cao và rất cao (từ vài chục nghìn ppt đến vài trăm nghìn ppt, thậm chí có những mẫu lên tới hàng triệu ppt). Tồn lưu dioxin trong đất có mức >1000 ppt thì phải xử lý, tẩy độc trước khi trồng cây.
Những sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, sắn, chè, cà phê... có bị nhiễm dioxin tại những vùng bị rải chất độc không?
Các sản phẩm nộng nghiệp như lúa, ngô, sắn, chè, cà phê... bị nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin ngay sau khi phun rải.
Còn sau nhiều năm các cây lương thực và công nghiệp trồng trên các diện tích bị nhiễm chất độc da cam/dioxin không bị nhiễm dioxin vì bộ rễ của các cây trên không có khả năng “hút” dioxin. Hiện nay chỉ có một số loài thực vật như cây bí đỏ, cây sukini (gọi là bí ngồi) ngọn của các loại cây này có khả năng tích tụ dioxin khá tốt. Cà rốt cũng là loại “hút” dioxin nhưng ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên trong thân già và quả bí không có dioxin. Chính vì vậy mà hai loài cây này có thể sử dụng để xử lý đất nhiễm dioxin hay DDT và các chất độc tương tự khác.
Chất độc da cam/dioxin có ảnh hưởng đến các loài động vật nuôi như: trâu, bò, lợn, gà, vịt không?
Có. Gia súc, gia cầm sẽ bị chết nếu bị nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin hoặc ăn phải thức ăn nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Mỡ tự thân - Nguồn tế bào gốc vô giá trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp
Tế bào gốc từ mô mỡ phát triển từ các tế bào trung mô và có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y học và khoa học sinh học, bao gồm y học tái tạo và phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Nhuận tràng Biovaccine – giải pháp tự nhiên cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Táo bón là vấn đề tiêu hóa phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến các biến chứng như trĩ, đau bụng, khó tiêu và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Nhuận Tràng Biovaccine là giải pháp tự nhiên, an toàn và hiệu quả, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, hỗ trợ nhuận tràng, mang lại sự thoải mái và sức khỏe cho hệ tiêu hóa.November 20 at 9:12 am -
Chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Alosuckhoe.vn – 4 trải nghiệm miễn phí dành cho hội viên
Alosuckhoe.vn, hệ thống siêu thị sức khỏe uy tín trên toàn quốc, luôn hướng tới mục tiêu mang lại những giá trị chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cộng đồng. Với mong muốn nâng cao chất lượng sống và tạo cơ hội chăm sóc sức khỏe cho mọi người, Alosuckhoe.vn dành tặng các hội viên những trải nghiệm miễn phí, độc đáo và hữu ích tại các siêu thị trên toàn quốc.November 20 at 9:11 am