Hội thảo khoa học “Giải pháp mới cho điều trị vết thương khó lành”

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về điều trị vết thương TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp mới cho điều trị vết thương khó lành”.
02/09/2023 15:04

Tham dự hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo Liên chi hội Điều trị vết thương TP HCM: PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch; BS.CKII Trần Đoàn Đạo - Phó Chủ tịch thường trực; BS.CKII Phan Duy Kiên, khoa Phẫu thuật mạch máu – Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy; ThS điều dưỡng Kiều Thị Phương Thảo, chuyên viên lâm sàng về hút áp lực âm; Ban Giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất cùng hơn 250 đại biểu là các bác sĩ, điều dưỡng đến từ các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.

Theo BS.CKII Nguyễn Tường Quang - Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất, hiện nay nền y học đã có nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị vết thương, thế nhưng vấn đề chữa trị cho vết thương khó lành, vết thương mạn tính vẫn còn là những thách thức.

“Đây là lần thứ 3 bệnh viện tổ chức hội thảo về giải pháp mới cho điều trị vết thương khó lành với mong muốn truyền tải những kiến thức mới và kinh nghiệm trong quá trình điều trị giúp cho đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện cũng như các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh có cái nhìn tổng quan về điều trị vết thương khó lành và những giải pháp mới nhằm đánh giá và điều trị vết thương bài bản, hiệu quả hơn” - BS.CKII Nguyễn Tường Quang cho biết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã thuyết giảng những nội dung: Băng thương áp lực âm trong điều trị vết thương khó lành; Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng vết loét bàn chân; Tối ưu hóa hiệu quả trong điều trị tĩnh mạch chi dưới mạn tính; Hút áp lực âm kèm tưới rửa…

PGS.TS. BS CKII Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TP.HCM thuyết giảng tại hội thảo

PGS.TS. BS CKII Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TP.HCM thuyết giảng tại hội thảo

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TP.HCM chia sẻ, các vết thương khó lành thường là các tổn thương ở vùng tỳ đè, do bỏng, vết mổ bị nhiễm trùng, vết loét gây nên từ một số loại bệnh: đái tháo đường, viêm tĩnh mạch,… để điều trị vết thương khó lành thì giải pháp hút áp lực âm  mang lại nhiều ưu điểm như: Bảo vệ vết thương, kiểm soát dịch tiết, kiểm soát nhiễm trùng, kích thích tạo nuôi máu, mô hạt,...

Ngoài ra, điều trị vết thương khó lành cần tuân thủ các tiêu chí sau: Lấy bỏ (cắt lọc) mô chết, hoại tử, vảy, mảng mục… khỏi vết thương để giảm tổng khối vi trùng, giảm biofilm, giảm viêm, làm sạch môi trường vết thương; giữ ẩm nhằm thúc đẩy biểu mô hóa, tạo mô hạt, tạo điều kiện cơ thể tự cắt lọc, tự làm sạch đồng thời phải kiểm soát dịch tiết giảm sự ngâm, ẩm quá mức tại vết thương và quanh vết thương, giảm tổng khối tế bào; ngăn ngừa các tổn thương bằng cách sử dụng các thủ thuật vật liệu tránh tổn thương, bảo vệ vết thương và mô xung quanh vết thương, giảm thiểu kích ứng quanh vết thương cho bệnh nhân.

 “Nếu chăm sóc vết thương cho bệnh nhân không đầy đủ, không đúng cách sẽ dẫn đến những di chứng hoặc biến chứng rất nặng nề gây đau đớn đồng thời tốn kém chi phí điều trị của người bệnh. Do đó, việc áp dụng các giải pháp mới trong điều trị vết thương khó lành hiện nay là bước tiến mới, đột phá của nền y học hiện đại mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân”- BS Nguyễn Tường Quang cho biết thêm.

Ngọc Nguyễn

 
comment Bình luận

largeer