Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Trong 2 ngày (28, 29/9), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước.
30/09/2022 07:30

Hướng đến những bộ sách tốt nhất với giá thành phù hợp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh lại những điểm mới quan trọng khi triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).

Thứ nhất, mục đích đổi mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Đây là một việc mới, khó khăn, chưa từng có trong tiền lệ.

Thứ hai, thực hiện một chương trình nhiều bộ sách (một chương trình thống nhất cả nước và mỗi một môn học có một hoặc một số SGK), chương trình được thiết kế theo hướng mở.

Thứ ba, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có thể huy động nhiều tiềm năng, lực lượng, nhà khoa học trong xã hội tham gia viết sách, kỳ vọng có được bộ sách tốt nhất. Đến nay, 6 nhà xuất bản đã trực tiếp tham gia biên soạn và xuất bản SGK cho 6 khối lớp.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ GDĐT phải phê duyệt SGK trên cơ sở kết quả của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Thứ năm, về lựa chọn sách, năm đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 88, quyền lựa chọn SGK thuộc về cơ sở giáo dục; từ năm sau, thực hiện theo Luật Giáo dục, UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của cơ sở giáo dục.

Học sinh tại Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa

Học sinh tại Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa

Với 5 nội dung trên, Bộ GDĐT đã ban hành khá nhiều Thông tư để triển khai thực hiện Nghị quyết 88. Từ đó, việc triển khai từ biên soạn, thẩm định đến phát hành… sách giáo khoa đã và đang diễn ra theo đúng kế hoạch; bảo đảm kịp thời triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88 và lộ trình thực hiện tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội.

Trong gần 4 năm qua, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng các tổ chức, cá nhân, nhà xuất bản, nhà khoa học, nhà giáo đã rất tâm huyết đồng hành với Bộ GDĐT biên soạn, thẩm định và chất lượng SGK được đánh giá đã đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo

Trước những khó khăn, hạn chế, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cùng tham gia hiến kế cho Bộ để tiếp tục tháo gỡ, điều chỉnh về văn bản pháp lý, điều hành, chỉ đạo, hướng đến những bộ sách tốt nhất với giá thành phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.

Tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình này.

Cụ thể, đã có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp. 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn SGK và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết SGK theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.

Các văn bản pháp lý do Bộ GDĐT ban hành đã tạo cơ sở quan trọng cho việc thực hiện đúng quy định các công tá tổ chức biên soạn, thực nghiệm SGK, chất lượng bản mẫu SGK, việc thẩm định, phê duyệt SGK, lựa chọn SGK,…

Đến nay, SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được phê duyệt và sử dụng. Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định. Sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 đang được biên soạn. Kết quả này khẳng định thành công của chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK.

Tuy nhiên, thực tiễn thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập liên quan đến việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học; một số nội dung, thuật ngữ; sự chênh lệch giữa tiến trình nội dung bài học giữa các SGK khác nhau trong một môn học; chất lượng một số bản mẫu; việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK; công tác thẩm định SGK…

Theo đó, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.

SGK sẽ có những tinh giản theo hướng khai thác tối ưu hình ảnh và ngữ liệu, đảm bảo hiệu quả bài học, đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và giảm giá thành SGK. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.

Ngoài ra, tăng cường tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở GDPT của Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Phối hợp tốt trong thông tin nhu cầu sử dụng SGK của địa phương và cung ứng để bảo đảm đủ SGK trước khai giảng năm học cũng như tăng cường trang bị SGK, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ SGK, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy – học; huy động tận dụng, tái sử dụng SGK hiệu quả, tiết kiệm.

Hội thảo cũng đã lắng nghe tham luận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành SGK đáp ứng yêu cầu của các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục. Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam – Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái trình bày về tổ chức biên soạn SGK và giá SGK theo chủ trương xã hội hoá. Đại diện Sở GDĐT Hải Phòng chia sẻ về công tác tổ chức lựa chọn và tập huấn sử dụng SGK theo chương trình GDPT 2018. Nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp từ các đại biểu cũng được ghi nhận tại đây.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chương trình GDPT 2018 là lần đổi mới căn bản, toàn diện nhất, sâu rộng nhất trên phạm vi, quy mô lớn. Xã hội, nhân dân ngày càng quan tâm đến giáo dục thì việc tham gia vào quá trình biên soạn vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức, áp lực lớn. Với sự nỗ lực của toàn ngành, đổi mới đã đạt những kết quả tích cực, các bộ sách đã được phê duyệt và sử dụng đáp ứng yêu cầu đề ra. Thứ trưởng chỉ đạo, cần tiếp tục tiếp thu những ý kiến xác đáng, đồng thời cần làm tốt công tác truyền thông, thông tin rộng rãi về mục đích, ý nghĩa tích cực của đổi mới chương trình, SGK, đặc biệt lắng nghe và lý giải chính xác, đầy đủ, kịp thời về những vấn đề mà người dân còn băn khoăn.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

comment Bình luận

largeer