Hơn 107 triệu ca nCoV trên toàn cầu

Toàn cầu đã có hơn 107 triệu, hơn 2,3 triệu người chết, Mỹ gần đạt mục tiêu của Tổng thống Biden, tiêm 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 một ngày.
10/02/2021 12:23

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 79.772 ca nhiễm và 2.574 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 27.783.399 và 479.082 người chết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình, 1,49 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 900.000 liều khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức ngày 20/1.

Ông cam kết sẽ tiêm 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, một mục tiêu mà nhiều người cho rằng không đủ tham vọng bởi tốc độ tiêm chủng đã tăng lên trong những tuần cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump.

covid

Dù tốc độ triển khai tiêm chủng tăng nhanh, các lãnh đạo bang vẫn phàn nàn rằng nguồn cung vaccine hạn chế đang làm chậm tiến độ của họ.

Theo phân tích từ Reuters về các báo cáo của bang và hạt, ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ đã giảm 4 tuần liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở California, nơi ca nhiễm mới được ghi nhận giảm 48% hôm 7/2. Chỉ các bang Oregon, Arkansas, Vermont và vùng lãnh thổ Puerto Rico báo cáo số ca mới tăng cao.

Trên toàn quốc, 7,3% các xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV, giảm so với 8,5% của tuần trước.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ít nhất ba biến thể mới của nCoV đang lưu hành ở Mỹ, gồm biến thể B.1.1.7 được phát hiện ở Anh, có khả năng lây lan cao hơn 30-40%.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hôm 8/2 kêu gọi người dân cảnh giác. "Sự gia tăng liên tục của các biến thể vẫn là một mối lo ngại lớn và là mối đe dọa có thể đảo ngược các xu hướng tích cực gần đây mà chúng ta đang thấy", ông cho hay.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 10.510 ca nhiễm và 85 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.858.300 và 155.280.

Chính phủ Ấn Độ hôm 6/2 thúc giục các bang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 sau khi kết quả từ một cuộc đánh giá cho thấy nước này có "cơ hội" đáng kể để đẩy nhanh chương trình này.

Ấn Độ đã tiêm vaccine cho khoảng 3 triệu nhân viên y tế trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, nhưng cần phải tăng tốc để đạt mục tiêu trong mùa hè. Chính phủ nước này yêu cầu các bang lên lịch cho tất cả các nhân viên y tế tiêm chủng trước ngày 20/2 và tất cả nhân viên tuyến đầu trước ngày 6/3.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.272 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 233.520. Số người nhiễm nCoV tăng 49.264 ca trong 24 giờ qua, lên 9.599.565.

Brazil hôm 6/2 nhận lô hàng gồm 88 lít hoạt chất đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho phép trung tâm y sinh Fiocruz có thể xuất xưởng 2,8 triệu liều vaccine. Trung tâm này dự kiến nhận thêm nhiều lô hàng khác trong tháng này để tạo ra tổng cộng khoảng 15 triệu liều vaccine.

Hiện tại, chỉ những mũi tiêm do AstraZeneca và công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển mới được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil. Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 6/2 cho biết Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt vaccine Covid-19 tại nước này.

Anh ghi nhận thêm 1.052 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 113.850, trong khi số ca nhiễm tăng 12.364 ca so với hôm trước, lên 3.972.148.

Bộ trưởng Triển khai Vaccine Anh Nadhim Zahawi hôm 7/2 cho biết quốc gia này có thể tăng cường tiêm chủng vaccine Covid-19 vào mùa thu và sau đó triển khai tiêm chủng hàng năm nhằm đối phó với các biến chủng nCoV.

Anh đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 70 tuổi, những người dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế tuyến đầu vào giữa tháng hai. Tốc độ tiêm chủng đang ở mức 400.000 mũi mỗi ngày, khiến Anh chỉ đứng sau Israel và UAE về số liều tiêm trên 100 người.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 18.870 ca nhiễm và 508 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.360.235 và 80.147.

Các nhà lập pháp nước này ngày 9/2 thông qua luật gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia tới ngày 1/6 khi số ca tử vong vì Covid-19 vượt 80.000. Luật cho phép chính phủ ban hành nhiều hạn chế, bao gồm cả phong tỏa, nhằm ngăn virus lây lan. Tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/2.

Iran, vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Đông, ghi nhận thêm 7.640 ca nhiễm và 89 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.481.396 và 58.625. Các con số có xu hướng giảm trong những tuần gần đây. Iran đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng trong nước, đồng thời đang nỗ lực mua vaccine từ AstraZeneca và các công ty khác.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.174.779 ca nhiễm, tăng 8.700, trong đó 31.976 người chết, tăng 213. Giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Indonesia đã triển khai chương trình xét nghiệm nCoV qua hơi thở tại các ga tàu trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này ngày càng phức tạp. Người làm xét nghiệm sẽ được yêu cầu thổi vào túi và nhận kết quả ngay sau hai phút.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, báo cáo 540.227 ca nhiễm và 11.296 ca tử vong, tăng lần lượt 1.235 và 65 ca. Tình hình càng gây lo ngại khi các lô vaccine Covid-19 dự kiến tới nửa sau của năm mới bắt đầu đến nơi.

Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại nước này, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng qua quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer