Hơn 300 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 9-3, trên thế giới có tổng cộng 117.719.258 ca mắc Covid-19, trong đó 2.611.025 ca tử vong. Ước tính cho đến nay, khoảng 301,4 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm chủng (khoảng 3,8%), cao hơn 2,5 lần so với số ca mắc Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
09/03/2021 09:45

Châu Mỹ

Mỹ chiếm tới 25% tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm 20%. Một năm sau kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dù đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng cho người dân cũng như giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong vì vi rút đáng sợ này.

Ngày 8-3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn mới, theo đó những người đã được tiêm phòng Covid-19 đủ liều có thể được tụ tập trong nhà cùng với những người khác cũng đã được tiêm phòng mà không cần phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, CDC tiếp tục khuyến cáo những người đã được tiêm chủng đầy đủ đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội ở nơi công cộng hoặc trong các cuộc tụ họp trong nhà có sự tham gia của nhiều người từ nhiều hộ gia đình. Đến nay, khoảng 59 triệu người Mỹ đã được tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin ngừa Covid-19, chiếm khoảng 23% dân số trưởng thành. Hiện, tỷ lệ tiêm chủng tại nước này đang tăng lên đều đặn.

Brazil cũng là một trong những quốc gia có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao nhất thế giới với 11.019.344 ca mắc và 265.500 ca tử vong. Ngày 8-3, tại bang Mato Grosso, khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất tại nước này, mạng lưới bệnh viện đã bắt đầu quá tải. Đây là bang thứ ba ở Brazil đề nghị chuyển bệnh nhân Covid-19 ra khỏi bang do thiếu giường bệnh trong làn sóng lây nhiễm mới nhất. Trong 2 tuần qua, số ca tử vong tại bang này tăng thêm 28%.

Brazil

Châu Á - châu Đại dương

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ phát hiện thêm 18.711 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, mức cao mới trong những ngày gần đây. Ấn Độ đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày liên tục tăng trong nhiều ngày qua. Từ ngày 11-3, thành phố Aurangabad thuộc bang miền Tây Maharashtra bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa một phần vào các ngày trong tuần và phong tỏa hoàn toàn vào các ngày cuối tuần.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch Covid-19 ở Campuchia đang nóng lên khi số ca mắc nhanh chóng vượt 1.000 người hơn hai tuần sau "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2". Tối 8-3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra thông điệp khẩn về tình hình dịch Covid-19 lây lan nghiêm trọng, theo đó toàn bộ các cuộc tụ tập đông người phải bị hủy bỏ. Trong thông điệp bằng âm thanh gửi qua các phương tiện truyền thông, Thủ tướng Hun Sen cho biết, tới 21h ngày 8-3 đã phát hiện gần 50 ca nhiễm Covid-19. Những trường hợp mới được phát hiện ở thủ đô Phnom Penh, Sihanoukville, Kandal và Prey Veng. Ông nhấn mạnh, đây chưa phải là kết quả cuối cùng vì cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra các mẫu xét nghiệm. Trong số những người lây nhiễm này có cả cảnh sát, công chức và một số nghệ sĩ. 

Philippines trong ngày 8-3 cũng ghi nhận 3.346 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 597.763 ca. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Philippines có trên 3.000 ca mắc mới. Số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã lên tới 12.521 ca. Đến nay, Philippines đã thực hiện lệnh phong tỏa gần một năm để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 8-3, Thái Lan cho biết, bắt đầu từ tháng 4 tới, nước này sẽ giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhập cảnh nước này, từ 14 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày. Người nước ngoài phải được tiêm phòng Covid-19 trong vòng 3 tháng trước khi nhập cảnh Thái Lan và phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Những du khách chưa tiêm phòng nhưng có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính sẽ phải cách ly 10 ngày.

Cùng ngày, WHO đã đánh giá cao các bước đi của Chính phủ Indonesia trong việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Indonesia thông báo kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội quy mô nhỏ tại Java và Bali đến ngày 22-3, đồng thời mở rộng áp dụng chính sách này tại 3 tỉnh khác là Đông Kalimantan, Nam Sulawesi và Bắc Sumatra do số ca mắc Covid-19 tăng đáng kể tại các địa phương này. Trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội quy mô nhỏ, mỗi công sở chỉ duy trì 50% lượng nhân viên thông thường, số còn lại làm việc tại nhà. Các nhà hàng được phục vụ tối đa 50% công suất, trong khi các trường học triển khai việc giảng dạy trực tuyến.

Ngày 8-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, nước này đã bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho tất cả người dân cần tiêm chủng. Thủ tướng J.Ardern cho biết, Chính phủ New Zealand vừa đạt được thỏa thuận để có thêm 8,5 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer vào giữa năm nay bên cạnh 1,5 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer đã mua, đủ tiêm cho 4,25 triệu trong tổng số 5 triệu người dân nước này, với mỗi người tiêm hai liều. 

Châu Âu

Chính phủ Anh cũng bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường vào cuối tháng 6. Hàng triệu trẻ em ở vùng England đã đi học trở lại trong ngày 8-3, sau hai tháng nghỉ ở nhà do dịch Covid-19. Cùng ngày, hàng trăm nghìn người sống ở các cơ sở chăm sóc ở vùng này có thể bắt đầu đón khách đến thăm ở không gian trong nhà. Ngoài ra, hai người không cùng một gia đình cũng có thể gặp nhau ở không gian công cộng. Giai đoạn nới lỏng tiếp theo là vào ngày 29-3, theo đó việc tụ tập ngoài trời được cho phép 6 người hoặc 2 hộ gia đình tham gia. Các hoạt động thể thao ngoài trời như tennis, bóng rổ và golf cũng được phép diễn ra.

Ngày 8-3, giới chức y tế Italia đã phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cho người từ 65 tuổi trở lên. 

Theo Hà Nội mới

comment Bình luận

largeer