Hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình

Sáng ngày 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn ”Hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình”. Chương trình tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, thu hút đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ở các tỉnh, thành trên cả nước cùng tham gia.
17/11/2021 17:00

Do tính chất đặc thù của cấp học giáo dục mầm non (GDMN), trẻ mầm non chưa có khả năng học online, giáo viên thông qua các hình thức phù hợp hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình. Để giúp các cơ sở GDMN hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình trong thời gian trẻ ở nhà phòng tránh dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch 894/KH-BGDĐT ngày 9/9/2021. Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm mục đích hướng dẫn giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ trên.

Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN, cho biết: GD Mầm non (MN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ chất lượng, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Hiện nay, do diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, từ sau Tết nguyên đán, nhiều địa phương trẻ phải nghỉ học, không đến trường. Việc trẻ phải nghỉ học ở nhà đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình GDMN và sự an toàn của trẻ, đặc biệt là việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.

Tập huấn trực tuyến hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình. Ảnh: GDTĐ

Tập huấn trực tuyến hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình. Ảnh: GDTĐ

Khi trẻ ở nhà, nhiều trẻ không được tổ chức chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý, không được tiếp cận với các hoạt động giáo dục theo Chương trình GDMN, không có các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng để giáo dục trẻ hoạt động trong thời gian dài gây ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của trẻ; Một số gia đình phụ huynh do bận công việc nếu không quan tâm có thể dẫn đến mất an toàn cho trẻ. Nhiều gia đình không có không gian cho trẻ vui chơi, mọi sinh hoạt của trẻ bị xáo trộn.

Nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian chăm sóc trẻ dài, dẫn đến áp lực, căng thẳng mệt mỏi về cả thể chất và tâm lý, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.

Trẻ có thời dài không đến trường, thầy cô cha mẹ cùng vất vả, ảnh hưởng đến nuôi dưỡng các cháu một cách khoa học cũng như việc đảm bảo an toàn nuôi dưỡng cho các cháu.

Để ứng phó tình trạng này từ đầu năm học Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong quá trình các cháu ở nhà, trường học vẫn hoạt động bình thường, phải có trách nhiệm phân công GV duy trì thường xuyên mối liên hệ với gia đình trẻ để nắm tình hình nuôi dưỡng trẻ, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, chăm sóc sức khỏe khoa học, đảm bảo an toàn, tổ chức hoạt động vui chơi để đảm bảo chế độ sinh hoạt khoa học, không ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thể chất

Thời gian qua các địa phương thực hiện rất tốt việc hỗ trợ nuôi dạy trẻ mầm non tại gia đình. Có thể nói đã ứng phó hiệu quả, cô giáo linh hoạt chủ động lập các nhóm zalo làm các clip hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng giáo dục học sinh phù hợp với điều kiện của gia đình. Tuy nhiên, qua thực hiện có những khó khăn khách quan, để tháo gỡ khó khăn này, nhiều địa phương có giải pháp hỗ trợ, Bộ GD&ĐT đã chuyển về địa phương hơn 20 video và các kênh truyền hình để hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ ở nhà theo phương án tốt nhất theo điều kiện mới.

Để ứng phó với dịch, các cơ sở GDMN đã xây dựng kho học liệu, tuy nhiên kỹ năng xây dựng còn hạn chế, kiểm duyệt thế nào cho phù hợp với lứa tuổi, an toàn về văn hóa tinh thần thể chất với trẻ. Để khắc phục điều này, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cán bộ, giáo viên xây dựng và lựa chọn sao cho phù hợp nuôi dương trong điều kiện hiện nay; Tập huấn cũng hướng dẫn CBGV cách sử dụng các phần mềm tương tác để tổ chức GV trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp, GV với phụ huynh sao cho phù hợp và đa dạng.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh đặc biệt nhấn mạnh: Chương trình tập huấn này sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề: Hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe của trẻ phù hợp trong thời gian dịch trẻ nghỉ học; Hướng dẫn để đảm bảo an toàn trong các hoàn cảnh nuôi dạy trẻ; Nuôi dạy trẻ sao cho phù hợp, để trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Đây là các vấn đề hết sức quan trọng, mong rằng các cán bộ quản lý, giáo viên nắm chắc vấn đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục trẻ an toàn, chất lượng.

Theo Giáo dục Thời đại

comment Bình luận

largeer