Huy động lực lượng trục vớt tàu, thuyền bị chìm do mưa to, dông lốc tại Bình Định

Ngày 1/4, UBND tỉnh Bình Định đã lên phương án trục vớt số tàu thuyền của ngư dân bị chìm, đắm trong đợt thiên tai bất thường diễn ra từ 31/3 đến nay.
01/04/2022 14:36

Đại tá Trần Quốc Bình, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đề nghị phương án sử dụng lực lượng và thiết bị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh để khẩn trương trục vớt tàu thuyền của ngư dân tại xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn); thuê những thợ lặn giỏi nhất của thành phố Quy Nhơn để lặn tìm vị trí và kết buộc thiết bị trục vớt; sử dụng xe tải để kéo tàu, thuyền chìm vào bờ và đưa lên trên cạn.

Thống nhất với phương án do Đại tá Trần Quốc Bình đưa ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai công tác trục vớt ngay từ chiều 1/4. Đồng thời, tăng cường tàu sắt của Bộ Chỉ huy Quân sự và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tham gia công tác trục vớt.

Trước đó, vào sáng 31/3, tại vùng biển xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), thời tiết bất thường đã gây ra sóng to, gió lớn làm đứt dây neo, chìm, gây thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản của 53 hộ. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,2 tỉ đồng. Xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) có hai phương tiện khai thác thủy sản ( một xuồng, một thúng) và mộtbè du lịch bị thiệt hại.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh hoan nghênh UBND thành phố Quy Nhơn ngay trong sáng 1/4 đã trích ngân sách hỗ trợ cấp bách cho những hộ dân bị thiệt hại, mỗi hộ 2 triệu đồng. UBND tỉnh Bình Định sẽ sớm hỗ trợ 5 triệu đồng đối với tàu thuyền dưới 20 CV bị chìm và 15 triệu đồng đối với tàu, thuyền từ 20 CV - 50 CV bị chìm.

93

Sóng to, dông lốc làm hư hại tàu thuyền, lồng bè của ngư dân tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Đối với những thiệt hại khác như lúa Đông Xuân đang và sắp thu hoạch, lúa Hè Thu vừa gieo sạ, số diện tích hoa màu bị thiệt hại, ông Nguyễn Tuấn Thanh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, các sở, ngành và các địa phương khẩn trương rà soát lại các địa điểm và khu dân cư có khả năng bị sạt lở núi; theo dõi diễn biến mưa và thực hiện điều tiết nước tại các hồ chứa phù hợp, tránh ngập úng cho hạ du.

 "Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp ứng phó với hiện tượng thiên tai bất thường như hiện tượng đang diễn ra" - ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Theo Tin Tức

comment Bình luận

largeer