Indonesia: Số ca mắc COVID-19 đang giảm dần và lên kế hoạch ứng phó cho mùa lễ hội cuối năm

Nhờ thắt chặt biện pháp phòng dịch từ tháng 7, Indonesia đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể. Hiện tại, nước này lên kế hoạch ứng phó khi mùa lễ hội cuối năm đến gần.
28/09/2021 09:47

Từng được xem là tâm dịch COVID-19 tại Đông Nam Á và cả châu Á, Indonesia giờ đây có số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trên đầu người thấp nhất trong khu vực, theo Nikkei Asia.

Hồi giữa tháng 7, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày của Indonesia trong khoảng 40.000-50.000 ca. Đỉnh dịch được xác định là ngày 15/7 với 56.757 ca nhiễm, theo Reuters.

Sau đó, nước này ghi nhận đà giảm dần của số ca mắc. Kể từ đầu tháng 9, con số này giảm còn khoảng 5.000 ca/ngày. Trong số liệu mới nhất, Indonesia ghi nhận hơn 1.760 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 26/9, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Thành công của Indonesia

Theo dữ liệu của Our World In Data, tỷ lệ người dương tính với SARS-CoV-2 của Indonesia là 5%, nằm trong phạm vi được WHO cho là an toàn để mở cửa nền kinh tế.

Hiện tại, Philippines dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 mới trong số sáu quốc gia lớn ở Đông Nam Á, với khoảng 20.000 ca mỗi ngày. Trong khi đó, Malaysia có số ca nhiễm COVID-19 thấp nhất trong khu vực, với gần 450 ca mắc mới trong thời gian gần đây.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, có tỷ lệ người mắc COVID-19 thấp nhất khu vực. Chỉ 10 trên mỗi 1.000.000 người dương tính với COVID-19.

Nhờ thắt chặt hạn chế phòng chống dịch từ giữa tháng 7, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh mùa lễ hội sắp đến và người dân ngày càng mệt mỏi với các hạn chế, các chuyên gia cho rằng Indonesia cần phải đề phòng trước nguy cơ bùng phát dịch lần 3.

1

Cảnh sát có mặt ở những nơi công cộng để đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch

"Một trong những yếu tố quyết định đó chính là những hạn chế xã hội. Các hạn chế này đã có hiệu lực trong khoảng thời gian đầu tháng 7", theo bà Laura Navika Yamani, nhà dịch tễ học từ Đại học Airlangga.

Ban đầu, các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp được áp dụng tại Bali và Java, hòn đảo đông dân nhất và nơi có thủ đô Jakarta.

Các quy định này yêu cầu tất cả người lao động không thiết yếu làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm, trường học, địa điểm tôn giáo phải đóng cửa. Nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán mang về.

Bà Yamani cho biết cảnh sát có mặt ở các nơi công cộng. "Vì thế, người dân buộc phải đeo khẩu trang".

Ngoài ra, Indonesia còn ra mắt ứng dụng "thẻ xanh vaccine", được áp dụng ở các nơi như trung tâm mua sắm và văn phòng làm việc. Những người chưa được tiêm vaccine sẽ không được vào cửa.

Khi số ca mắc COVID-19 mới giảm, chính phủ Indonesia đã điều chỉ các hạn chế xã hội nhằm khởi động lại các hoạt động kinh tế.

Vào ngày 21/9, đại diện của Lực lượng Chuyên trách Ứng phó COVID-19 công bố nới lỏng các quy định. Trẻ em dưới 12 tuổi được phép đến trung tâm mua sắm. Các rạp chiếu phim được phép hoạt động với công suất 50%.

Bên cạnh đó, người lao động không thiết yếu đã tiêm hai mũi vaccine có thể trở lại văn phòng làm việc với công suất 25%.

"Tuy rời khỏi Jakarta vào 4 giờ sáng, tôi vẫn bị kẹt xe và phải mất 6 tiếng mới có thể đến Bandung", theo cô Dinia Yuliana, một nhân viên văn phòng.

Dữ liệu về chuyển động của Google cho thấy vào giữa tháng 7, số người đi bộ đến các nơi mua sắm giảm gần 20%. Bên cạnh đó, số người di chuyển đến các trạm xe cũng giảm đi một nửa so với khoảng thời gian 3/1-6/2.

2

Số người được tiêm đầy đủ hai mũi ở Indonesia vẫn còn khá thấp, với chỉ 16% dân số

Dù số ca mắc giảm và các biện pháp hạn chế có hiệu quả, chương trình tiêm vaccine COVID-19 của Indonesia vẫn diễn ra chậm chạp. Theo Our World In Data, chỉ 16% người dân nước này đã được đầy đủ tiêm hai mũi.

Các địa phương như Jakarta (72,9%), Bali (57,5%) và Yogyakarta (30,2%) là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước. Trong khi đó, chỉ 20% người ở Java đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

Lo ngại về mùa lễ hội cuối năm

Các chuyên gia khuyến cáo chính phủ Indonesia phải sớm hành động để ngăn chặn làn sóng dịch có thể xảy ra do mùa lễ hội cuối năm.

Vào tháng 7, nước này chỉ thắt chặt các hạn chế xã hội sau khi số ca mắc COVID-19 tăng, dù chính phủ đã lường trước việc nhiều người trở về nhà sau dịp lễ Hồi giáo Eid-al-Fitr vào tháng 5.

3

Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch tại Indonesia do nhiều người du lịch vào dịp lễ

Theo bà Yamani, các quy định phòng chống COVID-19 cần bao gồm giảm số du khách tại các địa điểm du lịch, và hạn chế việc đi lại không cần thiết.

"Singapore và Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho hầu hết dân số của họ và được cho là đã có miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới của họ vẫn tăng", ông Donie Riris Andono Ahmad, nhà dịch tễ học ở Đại học Gadjah Mada, cho biết. "Đây là tín hiệu cho thấy miễn dịch cộng đồng không có hiệu quả lâu dài".

"Indonesia chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc có được miễn dịch cộng đồng. Điều này chỉ khả thi khi những nơi như Jakarta đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân", ông Ahmad nói.

Minh Long (Theo Nikkei Asia)

comment Bình luận

largeer