Indonesia yêu cầu được loại khỏi danh sách đỏ vì tình hình dịch COVID-19 được cải thiện

Trong bối cảnh đại dịch đã có nhiều cải thiện, Indonesia đang đề nghị các quốc gia xem xét loại nước này khỏi danh sách đỏ về đại dịch COVID-19.
26/09/2021 15:53

Tại cuộc họp báo sau Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76, ngày 25/9 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi cho biết tại cuộc họp Indonesia đã thông tin về những tiến triển trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Indonesia. Hiện nay tỷ lệ dương tính ở Indonesia đã giảm từ 30% xuống 2%, dưới mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 5%. Thành tích này có được nhờ đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine COVID-19 và áp dụng các giao thức y tế chặt chẽ. Do đó, Indonesia đề nghị các quốc gia xem xét thay đổi trình trạng danh sách đỏ về COVID-19, loại Indonesia ra khỏi danh sách này.

96

Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi kêu gọi loại Indonesia khỏi danh sách đỏ tại Liên Hợp Quốc

Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi cho biết, hiện nay Pháp đã loại Indonesia ra khỏi danh sách đỏ. Trước đó, trong tháng 7, khi Indonesia phải đối mặt với làn sóng thứ hai gia tăng đột biến do biến thể Delta, nhiều quốc gia đã đưa Indonesia vào danh sách đỏ, đình chỉ các chuyến đi và đến từ Indonesia như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Philippines, Oman, Saudi Arabia, Nhật Bản, Đài Loan, Bahrain, Hong Kong, Vương quốc Anh và một suố quốc gia ở Liên minh châu Âu. Singapore giới hạn người Indonesia nhập cảnh vào quốc gia này. Nhiều nước cũng áp dụng các điều khoản đặc biệt đối với các công dân Indonesia khi nhập cảnh như cách ly trong khách sạn và thực hiện các xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR.

Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia cũng đánh giá cao Mỹ đã hỗ trợ 12,6 triệu liều vaccine COVID-19 cho Indonesia. Trong thời gian tới, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục gửi cho Indonesia 800.000 liều vaccine COVID-19. Indonesia cũng cảm ơn chính phủ Hà Lan, Nhật Bản và Pháp đã hỗ trợ Indonesia trong đại dịch.

Ngoài ra, tại cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia cũng bày tỏ quan ngại liên quan đến tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử và chính trị hóa trong nỗ lực đối phó với đại dịch toàn cầu. Indonesia kêu gọi thu hẹp khoảng cách vaccine và ngừng chính trị hóa trong lĩnh vực này.

Bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi cũng gặp người đồng cấp từ Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud để thảo luận về vấn đề này.

Trước đây, chính phủ Saudi Arabia chỉ cho phép người nước ngoài tiêm một trong bốn loại vaccine: AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson và Moderna nhập cảnh. Vào tháng 8/2020, nước này mở rộng thêm đối tượng được nhập cảnh bao gồm những người đã tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac với điều kiện họ đã được tiêm liều thứ ba tăng cường.

Theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, chính sách này gây ra gánh nặng cho Indonesia vì hầu hết các loại vaccube mà công dân Indonesia nhận được là từ nhãn hiệu Sinovac và việc tiêm chủng liều tăng cường vaccine COVID-19 ở quốc gia này mới chỉ được áp dụng cho các nhân viên y tế. Bà kiến nghị các yêu cầu về tiêm chủng nên sử dụng danh sách vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trong đó có Sinovac.

Theo VOV

comment Bình luận

largeer