Israel số ca COVID-19 tăng mạnh bất chấp việc tiêm chủng thành công

Số ca nhiễm nCoV tại Israel vẫn tăng mạnh bất chấp chiến dịch tiêm chủng thành công, nhưng cuộc sống đã trở lại gần như hoàn toàn bình thường.
11/09/2021 08:54

Israel hôm 2/9 báo cáo thêm 11.187 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao kỷ lục tại nước này. Dù một phần do công tác xét nghiệm được đẩy mạnh, số ca nhiễm cao vẫn gây ngạc nhiên đối với một quốc gia đã tiêm chủng đủ hai mũi vaccine COVID-19 của Pfizer cho hơn 60% dân số, và ba tháng trước chỉ ghi nhận ca nhiễm mới ở mức một con số.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel, trong số ca nhiễm mới có hơn 6.000 trường hợp chưa tiêm chủng, nhưng cũng có tới hơn 4.000 người đã được tiêm đầy đủ. Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ ba cho tất cả người từ 12 tuổi trở lên, thay đổi định nghĩa về "tiêm chủng đầy đủ".

Mặc dù vậy, khi xem xét tình hình hiện nay, giáo sư Eyal Leshem tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel vẫn nhận thấy những mặt tích cực.

"Tất cả xảy ra trong bối cảnh các hoạt động gần như hoàn toàn bình thường. Hạn chế đáng kể duy nhất là quy định đeo khẩu trang trong không gian kín", Leshem, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đánh giá.

b1

Một người đàn ông được tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba tại Jerusalem hồi giữa tháng 8

Ngay cả khi không đóng cửa nền kinh tế, số ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng tại Israel hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 1.100 hồi tháng một, thời điểm chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa. Dữ liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy số ca nghiêm trọng hôm 29/8 là 752, nhưng đến ngày 2/9 đã giảm xuống 673. Số ca tử vong hàng ngày gần đây ở khoảng 20-30, tương đương chưa đến một nửa con số hồi tháng một.

"Chúng tôi đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ tuyệt vời nhờ hai liều vaccine. Tỷ lệ trở nặng ở những người chưa tiêm là gần 300/100.000, trong khi con số này ở những người đã tiêm đủ hai mũi là 19/100.000 và họ đều trên 60 tuổi", Leshem phân tích.

Giáo sư Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi sinh Lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, nêu ý kiến tương tự. Ông đánh giá tình hình Israel hiện nay giúp củng cố quan điểm rằng lựa chọn duy nhất có lẽ là chung sống với COVID-19. Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày tại Singapore cũng tăng từ mức một con số lên tới gần 200 khi nước này bắt đầu chiến lược sống chung với virus.

"Mặc dù Israel báo cáo các con số khá cao, số trường hợp nghiêm trọng và tử vong vẫn thấp hơn rất nhiều so với những đợt bùng phát trước chiến dịch tiêm chủng", Tambyah chỉ ra.

Chuyên gia này lưu ý Israel có nhân khẩu học khác với Singapore và một bộ phận đáng kể dân cư không có khả năng được tiêm chủng. Tuy nhiên, những xu hướng tại Israel chứng minh "chúng ta có thể phải chấp nhận nhiều ca nhiễm hơn, miễn là số trường hợp nặng và tử vong không tăng lên tương ứng".

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là nếu hai liều vaccine có thể mang đến hiệu quả như vậy, tại sao Israel lại gấp rút triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân?

Theo giải thích của Leshem, chính phủ Israel hiểu rằng ngay cả trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao, nếu biến chủng Delta lây lan vẫn sẽ dẫn đến số bệnh nhân nhập viện cao hơn dù họ đã được tiêm chủng đầy đủ, trường hợp được gọi là nhiễm đột phá.

Thêm vào đó, giới chức Israel còn lo ngại bởi một nghiên cứu của những chuyên gia nổi tiếng nước này cho thấy "tác động mạnh mẽ từ tình trạng suy giảm hệ miễn dịch ở tất cả nhóm tuổi" 6 tháng sau khi tiêm chủng.

Mỹ và nhiều nước khác cũng đã bắt đầu triển khai hoặc lên kế hoạch tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba, bất chấp tranh cãi về mặt đạo đức và khoa học. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quyết định tiêm mũi tăng cường của các nước giàu sẽ khiến nguồn cung càng khan hiếm với những nước nghèo đang tha thiết cần vaccine.

Theo Leshem, trong nội bộ Israel cũng tồn tại những chỉ trích đối với nghiên cứu về nguy cơ suy giảm miễn dịch, khi một số người nhận định khả năng bảo vệ của vaccine vẫn sẽ đầy đủ mà không cần tiêm thêm. Tuy nhiên, giáo sư này cho biết có một số dữ liệu giúp chứng minh hiệu quả của mũi tiêm tăng cường. "Chúng tôi đánh giá việc tỷ lệ gia tăng ca bệnh hiện nay chậm lại một phần nhờ liều vaccine thứ ba", ông nói.

Nếu dữ liệu cuối cùng xác định rằng mũi thứ ba là cần thiết, vấn đề được đặt ra là liệu có cần mũi thứ tư hoặc thậm chí nhiều hơn hay không. Leshem cho rằng điều này "khó dự đoán", nhưng lưu ý khó có thể tránh được viễn cảnh về một chu kỳ vô tận.

"Chu kỳ tự nhiên của bệnh truyền nhiễm có điểm đặc trưng là một trạng thái cân bằng mới. Rất khó để nói là khi nào, nhưng trong vài tháng hoặc vài năm, chúng ta có thể đi đến giai đoạn mà virus lây lan trong cộng đồng chủ yếu gây triệu chứng nhẹ, hầu hết người dân không còn trở nặng nhờ đã được tiêm chủng, từng nhiễm hoặc cả hai", Leshem cho biết.

Dù bằng cách nào, cả Leshem và Tambyah đều vạch ra tương lai nơi các quốc gia phải học cách kiểm soát dịch mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. "Thông điệp rút ra là khi chủng Delta xuất hiện trong cộng đồng, số ca nhiễm sẽ gia tăng bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine cao", Leshem nói.

Khi tình huống đó xảy ra, sự kết hợp giữa vaccine, hệ miễn dịch được tăng cường, thông tin đáng tin cậy từ chính phủ và trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng "có thể giúp các nước nối lại hoạt động tương đối bình thường bất chấp COVID-19", giáo sư cho biết.

"Chúng ta nên tập trung bảo vệ những người dễ tổn thương, giám sát các cụm dịch lớn, tăng cường tiêm chủng, củng cố hệ thống y tế và duy trì sức khỏe thể chất, tâm lý và tinh thần cho người dân", Tambyah bổ sung.

Ánh Ngọc (Theo Nikkei)

comment Bình luận

largeer