Israel tái báo động COVID-19 dù phần lớn dân số đã tiêm chủng

Việc số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gia tăng trở lại ở Israel đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine trong việc xây dựng hệ thống miễn dịch cộng đồng.
26/06/2021 06:31

 Mặc dù đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số, Israel đang rơi vào tình trạng báo động khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trở lại. Điều này khiến các chuyên gia ngày càng nghi ngờ về khả năng virus có thể tồn tại giống như cúm mùa, theo Nikkei Asia.

Israel xác định hơn 100 trường hợp mới trong bốn ngày liên tiếp. Mặc dù đây là một mức tăng rất khiêm tốn với các quốc gia khác, nhưng đối với quốc gia Trung Đông này, đây là số ca COVID-19 mới cao nhất kể từ tháng 4.

Sự xuất hiện các ca nhiễm mới được cho là do biến thể Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) lây lan trong các trường học. Chính quyền Israel phải thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.

Phòng thí nghiệm tuyến đầu

Đối với các quốc gia đang đạt được những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng, kinh nghiệm ứng phó của Israel trong những tuần tới tới có thể rất đáng tham khảo.

Eyal Leshem, giám đốc Trung tâm Y tế Du lịch và Các bệnh Nhiệt đới của Israel, cho biết: “Israel là phòng thí nghiệm tuyến đầu về cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào ở một quốc gia có 90% người trên 50 tuổi được tiêm chủng đầy đủ”.

Theo thống kê của Our World in Data, khoảng 60% dân số Israel đã được tiêm đủ hai mũi. Chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng chứng minh được hiệu quả.

Vào tháng 1, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Israel rơi vào khoảng 10.000 ca. Sau khi chiến dịch được triển khai, số ca nhiễm tụt xuống bất ngờ, chỉ còn khoảng vài ca mỗi ngày.

Các quan chức dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế trong nước. Chính phủ Israel dự định mở cửa trở lại đối với các du khách đã tiêm vaccine vào tháng 7, khi chính quyền mới của ông Naftali Bennett ổn định.

Tuy nhiên, theo Times of Israel, hiện kế hoạch mở cửa du lịch đã bị hoãn sang tháng 8. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà sẽ có hiệu lực trở lại vào tuần tới.

c1

Một bệnh viện ở Tel Aviv tổ chức hòa nhạc kỷ niệm việc dỡ bỏ hạn chế. Ảnh: Reuters.

Ngay cả những người đã được tiêm vaccine, hoặc trước đây từng nhiễm virus, cũng phải tự cách ly trong tối đa 14 ngày nếu có tiếp xúc gần với người mang “biến thể nguy hiểm”.

Vào ngày 24/6, Nachman Ash, điều phối viên ứng phó đại dịch của Israel, nhận định rằng còn quá sớm để dự đoán liệu đây là một đợt bùng phát cục bộ hay có quy mô rộng lớn.

Ông Leshem cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng số ca nhiễm. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đáng kể về số lượng bệnh nhân nặng và nhập viện. Hầu hết bệnh nhân nhập viện chưa được tiêm vaccine”.

Ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá và “Israel thực sự là một thử nghiệm”. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy rằng một loại virus không bao giờ thực sự biến mất.

“Miễn là người dân được phép đi lại thì căn bệnh sẽ vẫn tồn tại trên toàn thế giới trong những năm tới. Bạn có thể sẽ lây bệnh vào những nhóm dân cư chưa được tiêm chủng”, ông cảnh báo.

Nếu virus chủ yếu chỉ giới hạn ở những người trẻ tuổi và khỏe mạnh như đợt bùng phát ở Israel hiện tại, ông cho rằng tác động có thể là khá nhỏ.

Ông thừa nhận người lớn tuổi có thể vẫn bị ốm nặng, nhưng điều này giống như việc mùa đông nào cũng có người bị cúm.

Bài học cho các nước khác

Câu chuyện so sánh COVID-19 như bệnh cúm rất được chú ý, nhất là tại Singapore. Đảo quốc này thường được so sánh với Israel do quy mô tương đồng, nguồn tài chính dồi dào và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng.

Cho đến ngày 21/6, chính quyền thành phố Singapore tiêm phòng đầy đủ cho 35,2% dân số. Kể từ ngày 11/6, những người trẻ từ 12 đến 39 tuổi có thể hẹn trước lịch tiêm vaccine. Vào ngày 24/6, các quan chức Singapore cho biết đã sẵn sàng tiêm cho 80.000 người mỗi ngày.

Trên tờ Straits Times, ba bộ trưởng thuộc lực lượng liên bộ phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ Singapore đã thể hiện sự lạc quan trong việc kiểm soát virus corona và ví COVID-19 như bệnh cúm.

Với việc triển khai tiêm phòng và các biện pháp phòng dịch khác, các quan chức tin rằng Singapore có thể biến đại dịch thành “một thứ ít đe dọa hơn nhiều” và tiếp tục cuộc sống bình thường.

c2

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters.

Bài báo cũng chỉ ra rằng Israel là một điển hình trong việc quản lý virus như cúm mùa: “Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Israel đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng của COVID-19 tiệm cận với cúm mùa ở Mỹ. Đây là những kết quả rất hứa hẹn”.

Israel và một số quốc gia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn xuất hiện các ca nhiễm rải rác. Phần khó nhất đối với chính quyền các nước này chính là việc điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Trong suốt đại dịch, các chuyên gia đưa ra nhiều ước tính khác nhau về tỷ lệ tiêm phòng cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Phần lớn tỷ lệ được dự đoán cao hơn mức 60%.

Tuy nhiên, hy vọng về khả năng này đang biến mất dần. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy “ý tưởng phổ biến một thời về một ngưỡng miễn dịch cộng đồng bắt đầu khó xảy ra”.

Báo cáo kết hợp sự do dự của người dân trước việc tiêm vaccine, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine khác nhau, rủi ro biến thể và các yếu tố khác.

Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thực sự có thể sống chung với COVID-19 và coi nó như bệnh cúm.

Nhưng mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia là liệu biến thể Delta hay các biến thể khác có thể chống lại vaccine, từ đó đẩy các nền kinh tế trở lại tình trạng khủng hoảng hay không.

Một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy vaccine Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa sự nguy hiểm của biến thể delta.

“Điều này thực sự yên tâm. Nó cho chúng tôi biết rằng vaccine có thể chống lại tình trạng chuyển biến nặng do biến thể gây ra”, ông Leshem lạc quan nói.

(Theo Zingnews)

comment Bình luận

largeer