Khai mạc “Thanh âm xứ Mường và Lễ hội Carnaval Hòa Bình 2022”

Tối 31/7, tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tổ chức chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022.
01/08/2022 07:48

Đồng thời, đón nhận Bằng công nhận hai Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh Hòa Bình: Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường. Buổi Lễ được diễn ra 2 phần: Phần Lễ và phần Hội.

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng. Phó Chủ tịch nước cho rằng, với lịch sử sinh sống lâu đời ở Hòa Bình, người Mường đã sáng tạo ra nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của 54 dân tộc anh em. Trong đó, tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội truyền thống Khai Hạ được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, thể hiện trình độ phát triển cao, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Mường, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Khúc hoà ca thiên nhiên tại chương trình nghệ thuật Thanh âm xứ Mường

Khúc hoà ca thiên nhiên tại chương trình nghệ thuật Thanh âm xứ Mường

Phó Chủ tịch nước khẳng định, những giá trị văn hóa đặc sắc này chính là sợi dây cố kết cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này qua đời khác, giúp cho người dân ở mảnh đất Hòa Bình vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Phó Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong quá trình lập hồ sơ đề cử, xem xét, đánh giá, công nhận hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại buổi lễ hôm nay.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng, với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng và những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy những kết quả rất đáng tự hào, khắc phục các tồn tại, hạn chế; quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11 năm 2021. Phó Chủ tịch nước mong rằng, hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được vinh danh hôm nay, cùng hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của tỉnh sẽ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình giữ gìn, bồi đắp, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Nguyễn Phi Long nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước; khẳng định việc công nhận "Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình" và "Lễ hội Khai Hạ của người Mường" huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và huyện Kim Bôi (Hòa Bình) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và là niềm tự hào của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình. Tỉnh sẽ quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, phấn đấu xây dựng Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển khá, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tại chương trình nghệ thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, Bùi Văn Khánh, nhấn mạnh: Tỉnh là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi tiếng. Hòa Bình còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp làm say đắm lòng người. Đặc biệt, hồ Hòa Bình với phong cảnh non nước hữu tình đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Những tiềm năng, thế mạnh đó đã được tỉnh tập trung khơi dậy và phát huy một cách mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chú trọng đến việc thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch, đảm bảo kết nối với hạ tầng giao thông và thiết chế văn hóa để ngành du lịch tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình là tỉnh tăng trưởng xanh, là trung tâm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng và trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới.

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã công bố và trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh Hòa Bình là: Tri thức dân gian Lịch tre (Lịch Đoi/Roi) theo Quyết định số 1756/QĐ- BVHTTDL ngày 26/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và di sản văn hóa Lễ hội Khai hạ của người Mường các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 1757/QĐ – BVHTTDL ngày 26/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình. Đây là sự kiện văn hóa được dàn dựng và tổ chức công phu, hoành tráng, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, góp phần giới thiệu, quảng bá những hình ảnh về đất nước, con người cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới đông đảo người dân, bạn bè quốc tế và du khách gần xa.

Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa là Lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động.

Hiện nay, lễ hội Khai Hạ vẫn được đồng bào dân tộc Mường tổ chức thường niên, các nghi thức về phần lễ, phần hội tuy có nhiều biến đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, nhưng về cơ bản vấn giữ được các yếu tố truyền thống từ thời gian, địa điểm tổ chức, nghi thức.

Theo thống kê hiện nay trong toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ Lịch tre (Lịch Đoi/Roi) cổ có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ Lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể mang tầm cỡ quốc gia.

Bước vào phần Hội, chương trình được tiếp nối với màn nghệ thuật đặc sắc theo 3 trục nội dung chính là: Miền đất cổ; Bản hòa ca xứ Mường; Vang xa thanh âm xứ Mường.

Miền đất cổ nhằm khắc họa vai trò quan trọng của nền văn hóa Hòa Bình cổ đại trong thời kỳ đồ đá mới. Giới thiệu nhân sinh quan… qua những tiết mục ca múa nhạc được lấy cảm hứng từ Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường Hòa Bình và sự đoàn kết giao hòa giữa đồng bào Mường và các dân tộc khác trong sự phát triển.

Bản hòa ca xứ Mường thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Hòa Bình giao hòa với các dân tộc vùng Tây Bắc. Điểm nhất của bản hòa ca xứ Mường là hoạt cảnh Lễ hội Khai Hạ 4 Mường tại Hòa Bình.

Vang xa âm thanh xứ Mường thể hiện sự hòa quện, hội tụ tinh hoa các dân tộc Hòa Bình dệt nên một bức tranh tổng quan của văn hóa Hòa Bình rực rỡ tinh hoa, đầy bản sắc và căng tràn sức sống.

Kết thúc chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa tầm thấp.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer