Khánh Hòa: Điều trị phẫu thuật thành công 1 trường hợp bệnh nhân bị co giật nửa mặt

Ngày 23/3/2024, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa điều trị phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh nhân bị co giật nửa mặt.
11/04/2024 10:33

Theo đó, bệnh nhân Đ.N.H.N (32 tuổi, TP. Nha Trang) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với triệu chứng nửa mặt phải, mắt và miệng giật liên tục. Qua khai thác bệnh sử, khám bệnh và chụp MRI sọ não đã xác định dây thần kinh số VII bên phải của bệnh nhân bị chèn ép bởi một mạch máu liền kề, gây ra tình trạng co giật nửa mặt. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân đã lựa chọn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật giải ép vi mạch dây thần kinh số VII.

IMG_7053.JPG

Bệnh nhân trước và sau khi điều trị

Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trực tiếp tiến hành phẫu thuật cùng với sự hỗ trợ của TS. BS. Đỗ Hồng Hải, Chuyên gia phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công sau 2 giờ và bệnh nhân được xuất viện sau 6 ngày với các triệu chứng co giật nửa mặt hoàn toàn biến mất.

BSCKII. Nguyễn Minh Phước, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: co giật nửa mặt là một rối loạn chức năng của dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII), thường gây ra bởi xung đột giữa mạch máu liền kề và dây thần kinh, khi đó dây thần kinh sẽ bị kích thích và tác động sau mỗi nhịp đập của mạch máu. Biểu hiện đặc trưng đầu tiên là người bệnh sẽ bị giật ở mí mắt, thời gian sau sẽ tiến triển đến giật các cơ vùng gò má và lan dần đến toàn bộ một bên mặt. Cơn co giật cơ mặt có thể gây mất ngủ, hạn chế khả năng nhìn làm cản trở những hoạt động hằng ngày như đọc sách, xem ti vi hoặc lái xe và đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ làm bệnh nhân mất tự tin trong giao tiếp, nếu kéo dài có thể dẫn tới ức chế, trầm cảm.

Điều trị bệnh lý này có nhiều cách, những trường hợp nhẹ có thể dùng các thuốc dạng uống hoặc tiêm các thuốc liệt cơ vào các cơ bị co thắt. Với các trường hợp tái phát hoặc nặng dần lên, điều trị vi phẫu thuật giải ép vi mạch là phương pháp mang lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh, với tỉ lệ thành công cao. 

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer