Khi nào thì người bệnh cần hỏi bác sĩ?

Đa số F0 và người chăm sóc có thể tự tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống là đủ, chỉ khoảng 10-15% cần sự hỗ trợ thực sự của các bác sĩ.
21/02/2022 10:16

"Qua khoảng một tuần cao điểm hỗ trợ F0 tại nhà, mỗi ngày ít nhất 100 F0 cả mới và cũ, bác sĩ thấy rất nhiều trường hợp không nhất thiết cần phải hỏi bác sĩ", bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng.

Vì vậy, bác sĩ thấy có lẽ cần tổng hợp lại một số thông tin liên quan đến việc chăm sóc và hỗ trợ F0 tại nhà như sau:

1. Tôi có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 không?

Hầu như ai cũng có thể bị nhiễm, hỏi câu này cũng gần như là hỏi: hôm nay tôi đi xe ra đường liệu có bị va quệt với xe khác hay không. Một số người mới khỏi, hoặc tiêm đủ vaccine, hoặc có lượng kháng thể rất cao thì có thể khó bị nhiễm hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn là F0 vừa âm tính với Delta, bạn vẫn có thể nhiễm Omicron, nên không có gì quá chắc chắn ở đây cả.

2. Tôi/người nhà tôi bị F0 (trở thành F0 thì chuẩn hơn), làm sao để những người khác trong nhà không bị lây nhiễm?

- Thực hiện thật tốt việc bảo hộ cá nhân.

- Súc họng ngày 3-4 lần bằng dung dịch povidone iodin 1,0% hoặc chlorhexidine 0,12-0,20%. Trước và sau nên súc thêm bằng nước muối sinh lý.

- Các loại thuốc phòng, thuốc tăng cường miễn dịch... về cơ bản là không ăn thua, trong khoảng thời gian vài ngày thì làm gì có thuốc nào tăng được miễn dịch nhanh thế?

271763284_10161512613449622_7001713136283043889_n

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng

3. Tôi dương tính rồi, phải làm sao?

- Rất cần thiết phải có: máy đo SpO2, dung dịch súc họng như phần trên, thuốc hạ sốt.

- Về cơ bản là chẳng phải làm sao cả. Cứ ăn uống ngủ nghỉ cho tốt và điều trị các triệu chứng là ổn. Tất nhiên, bạn phải làm sao để không lây nhiễm cho người khác (vui lòng tham khảo rất nhiều hướng dẫn chính thống).

- Chỉ cần bổ sung 1 viên vitamin tổng hợp mỗi ngày là đủ. Dùng các loại vitamin C, D hoặc kẽm liều cao chưa được chứng mình là có hiệu quả rõ rệt. Các loại thuốc bổ, tăng cường miễn dịch khác có thì cũng tốt mà không có cũng chả sao. Nhiều thuốc quá đến lúc đi tìm dễ bị loạn.

4. Tôi phải làm gì khi có các triệu chứng của COVID-19?

Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng:

- Sốt, chính là cơ thể đang chiến đấu với virus. Nếu sốt nhẹ, ko quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì lại hầu như không sốt.

- Ho, hắt hơi... cũng là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Chỉ khi ho gây khó chịu quá, khiến cho đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ... thì mới cần phải dùng thuốc giảm ho.

- Buồn nôn và nôn: cũng là các phản xạ để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, tuy nhiên việc nôn ra ngoài khiến cơ thể bị mất điện giải, rất mệt mỏi nên cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn của người bệnh.

- Đi lỏng: tương tự như các triệu chứng trên, vẫn là để tống khứ các chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, đi lỏng quá nhiều khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.

Với các triệu chứng trên, chúng ta chỉ cần điều trị như thông thường. Thường ngày khi bị cúm, khi bị sốt virus chúng ta xử lý như thế nào thì khi mắc COVID-19, chúng ta cũng xử lý y như vậy, không nhất thiết phải hỏi bác sĩ. Lưu ý bù đủ nước và điện giải.

Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến cơ thể phải hứng chịu nhiều độc tố của virus:

- Đau nhức mình mẩy, đặc biệt các khớp: việc này là khó tránh khỏi, khi độc tố virus giảm bớt thì sẽ hết. Thường ko có thuốc nào làm đỡ được tình trạng này.

- Mẩn ngứa, dị ứng: xử lý bằng các loại thảo dược có tính mát, các loại thuốc chống dị ứng thông thường.

- Cảm giác ớn lạnh: cũng là do độc tố của virus, có thể uống trà gừng nóng, ăn các đồ ấm nóng, đủ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng này.

- Căng thẳng, lo lắng, mất ngủ: là vấn đề tâm lý, khiến sức khỏe chung giảm sút. Có thể dẫn đến thiếu máu lên não, cảm giác khó chịu ở dạ dày-thực quản...

Một số người còn thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99%, thì đó là do tâm lý. Xử lý bằng thuốc an thần nhẹ thành phần thảo dược, MagneB6, Melatonin...

- Đau đầu, váng đầu, nhức mắt, ù tai, cảm giác bồng bềnh: thường do thiếu máu lên não kết hợp với độc tố của virus. Xử lý bằng cách dùng thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết...

- Mất khứu giác (ngửi mùi), vị giác: do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh, còn các tế bào khứu giác, vị giác lại không bị ảnh hưởng. Tùy người mà có thể mất khứu giác/vị giác hoặc không. Ăn uống ngủ nghỉ tốt sau COVID-19, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc, thường sau khoảng 4-6 tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường.

- Chảy nước mũi: do độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mui, khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn. Chúng ta dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch như Otrivin (0,05-0,1%), Coldi B, Rhinex 0,05%...

- Các mạch máu nhỏ xung huyết: một số sẽ bị mắt đỏ, một số thì xì mũi hoặc ho ra một chút máu, do các mạch máu nhỏ bị vỡ ra. Nhìn chung không đáng ngại và thường tự hết.

- Một số người thần kinh yếu, sa sút trí tuệ... có thể rơi vào trạng thái mất tỉnh táo, lú lẫn, lơ mơ... Những trường hợp này thì cần sự trợ giúp của nhân viên y tế.

5. Vậy tôi cần phải hỏi bác sĩ cái gì? Có 4 câu hỏi lớn!

- Thứ nhất, có cần phải uống thuốc kháng virus hay không? [favipiravir 200/400mg hoặc molnupiravir 200mg].

Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tải lượng virus có cao không, đã tiêm đủ vaccine chưa, có bệnh nền hay không, sức đề kháng có tốt không, có nguy cơ lây cho nhiều người hay không...

Hiện tại có favipiravir và molnupiravir được khuyến cáo sử dụng để điều trị COVID-19 tại nhà.

Việc có sử dụng thuốc kháng virus hay không, dùng loại nào, thực sự cần sự trao đổi thống nhất giữa bác sĩ và người bệnh dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế (mới nhất ngày 12/12/2021) nhưng đôi khi cũng không được như ý muốn (ví dụ người bệnh dị ứng với thuốc).

Các thuốc nhóm này thường dễ gây mệt, dị ứng, có thể cần dùng thêm thuốc bổ gan, thuốc chống dị ứng...

- Thứ hai, có dùng kháng sinh hay không? [amoxicillin có hoặc không kết hợp clavulanic, ceforuxime, azithromycin, ciprofloxacine, levofloxacine và một số loại khác]

Một số người hay bị viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Lúc bình thường họ đã dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp, khi mắc COVID-19, nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp càng tăng cao. Với những người này, thậm chí có thể phải dùng kháng sinh dự phòng, từ lúc chưa thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Các cháu bé hay phải dùng kháng sinh, các bệnh nhân nhiều bệnh nền (đặc biệt tiểu đường), các bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài... thuộc nhóm này.

Với các trường hợp khác, chúng ta dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Để xác định F0 có nhiễm khuẩn hay chưa, lại không hề dễ nếu không có các xét nghiệm. Nếu được thì nên xét nghiệm công thức máu và một số chỉ số đánh giá tình trạng viêm trước khi quyết định sử dụng kháng sinh.

Khi đã quyết định dùng kháng sinh, thì dùng loại nào, liều lượng bao nhiêu cũng là vấn đề đau đầu. Có phối hợp 2 loại kháng sinh với nhau không. Phải dùng thêm gì để giảm bớt tác dụng có hại của kháng sinh (ví dụ cần dùng thêm men tiêu hóa với các cháu bé, người già).

Đây thực sự là vấn đề cần kiến thức của các BS, kết hợp với thông tin từ người bệnh (đã dùng loại nào, có dị ứng không,...)

Thuốc kháng virus dành cho giai đoạn đầu, trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng. Thuốc kháng sinh thì suốt cả quá trình bị COVID-19 đều có thể cần dùng.

Khoảng ngày thứ 7-10 sau khi xuất hiện các triệu chứng, một số ít các F0 có thể xuất hiện các rối loạn miễn dịch đến mức ảnh hưởng đến tính mạng. Nổi bật là hai rối loạn chính: rối loạn đông máu và rối loạn phản ứng viêm, đầu tiên tại phổi, sau đó tới toàn cơ thể. Như vậy, lại có thêm 2 câu hỏi nữa dành cho bác sĩ.

- Câu thứ ba, có cần dùng thuốc kháng đông hay không? Khi nào dùng? [rivaroxaban hoặc apixaban, dabigtran]

Trừ một số chống chỉ định như người bệnh đang chảy máu (kinh nguyệt, xuất huyết tiêu hóa...) hoặc bị bệnh giảm tiểu cầu, bệnh dễ chảy máu... thì thuốc kháng đông tương đối an toàn.

Các bệnh nhân sau đột quỵ nhồi máu não, đặt stent mạch vành, bệnh van tim... thường phải dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông trong nhiều năm liên tục.

Một số nghiên cứu cho thấy dùng thuốc kháng đông với liều thấp để dự phòng có thể có tác dụng tốt trong việc phòng chống bão cytokin ở bệnh nhân COVID-19.

Khuyến cáo chính thống hiện tại là sử dụng thuốc chống đông khi SpO2 giảm dưới 95% liên tục mà không thể lên được. Liều dùng cụ thể cần được cân nhắc và tính toán cẩn thận dựa vào chuyên môn của BS và tình trạng của người bệnh.

- Thứ tư, có dùng thuốc kháng viêm corticoid hay không? [dexamethasone, prednisolon, methyprednisolon]

Corticoid mà cụ thể là Dexamethasone nổi lên như một loại thuốc giá rẻ (vốn khá thông dụng) nhưng lại rất hiệu quả trong điều trị rối loạn đáp ứng miễn dịch do COVID-19. Sau này, các nhà khoa học thấy không chỉ Dexamethasone mà các loại corticoid khác như Prednisolon hay Methylprednisolon cũng có tác dụng tốt tương tự.

Khác với thuốc kháng đông, không có bất cứ ý kiến nào khuyên là nên dùng corticoid để dự phòng bão cytokin.

Tất cả các nghiên cứu cho thấy, dùng corticoid sớm (khi chưa phải thở oxy, khi SpO2 còn trên 95%) đều làm cho tỷ lệ trở nặng và tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn (so với không dùng corticoid).

Kháng viêm corticoid, thực chất là thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, nó làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Trong giai đoạn đầu, khi hệ miễn dịch đang chiến đấu chống lại virus, mà lại dùng thuốc ức chế miễn dịch khác gì tiếp tay cho virus, làm bệnh tình thêm nặng.

Dùng corticoid cũng khiến cho người bệnh dễ nhiễm vi khuẩn và nhiễm nấm hơn. Trên các bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp, corticoid làm trầm trọng thêm mức độ của bệnh.

Không chỉ vậy, corticoid còn có một loạt các tác dụng phụ nguy hiểm, vui lòng seach Google, rất nhiều!

Thông thường, khi dùng kháng viêm corticoid, sẽ phải kèm theo thuốc bảo vệ dạ dày (giảm tiết acid như omeprazol, esomeprazol hoặc kháng acid như nhôm hydroxyd, magne hydroxyd...) và kháng sinh để phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Việc dùng với liều lượng bao nhiêu cũng không đơn giản, với các F0 tại nhà thì không quá phức tạp, nhưng khi chuyển nặng, vào bệnh viện, có rất nhiều phương án sử dụng corticoid khác nhau, và đó là câu chuyện của các BS trên tuyến đầu, chúng ta không bàn nhiều ở đây.

6. Khi nào thì F0 phải nhập viện?

Đây cũng là câu hỏi rất quan trọng.

Trong tình hình của Hà Nội hiện tại. Nhìn chung khi SpO2 cứ giảm mà không thể lên được trên 95% thì nên nhập viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mà các BV các tầng trở nên quá tải, thì chúng ta sẽ phải chấp nhận việc SpO2 giảm mà vẫn không còn chỗ để nhập viện.

Thông thường, khi SpO2 giảm bền vững xuống dưới 95%, hoặc khi nằm sấp thì SpO2 tăng rõ rệt so với khi nằm ngửa (cải thiện khoảng 5%) là đã có dấu hiệu bắt đầu của bão cytokin.

Lúc này, một mặt cần phải cho người bệnh thở oxy, bằng bình oxy khí nén hoặc bằng máy tạo oxy, để duy trì SpO2 trên 95%, một mặt cần cho uống ngay các loại thuốc kháng đông, kháng viêm, liều lượng cụ thể phụ thuộc vào nhận định của BS.

Trong lúc chờ chuyển viện, người nhà cần tìm hiểu quy định về phân tầng điều trị (của Sở Y tế Hà Nội) để xem F0 nhà mình thuộc diện nào, có thể được điều trị tại những BV nào, từ đó có phương án chuẩn bị xe và liên hệ với y tế phường, với 115 hoặc trực tiếp với các bệnh viện.

Ngoài thuốc kháng đông, kháng viêm thì khi nhập viện, kháng sinh hầu như là bắt buộc để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Ngoài ra thường sẽ phải dùng thuốc bảo vệ dạ dày, thuốc an thần.

Như vậy, nếu không phải là một trong các câu hỏi:

- Tôi/người nhà tôi có cần dùng thuốc kháng virus/thuốc kháng sinh/thuốc kháng đông/thuốc kháng viêm corticoid hay không?

- Tôi/người nhà tôi đã cần nhập viện chưa?

Thì chúng ta cố gắng đọc và chắt lọc từ các thông tin, hướng dẫn chính thống. Đều có đầy đủ trên mạng!

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer