Kinh doanh mỹ phẩm sao cho đúng luật

Luật sư Trần Vũ Phi Khanh, Đoàn luật sư TP. HCM chia sẻ một số quy định của pháp luật về kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
10/12/2022 08:17
Luật sư Trần Vũ Phi Khanh, Đoàn luật sư TP. HCM

Luật sư Trần Vũ Phi Khanh, Đoàn luật sư TP. HCM

Mỹ phẩm là hàng hóa tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó pháp luật đã quy định rất rõ các điều kiện để các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh sản phẩm này đến tay người tiêu dùng.

Đầu tiên để được kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam cần phải thực hiện thủ tục thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh. Ngành nghề đăng ký phải phù hợp với lĩnh vực mỹ phẩm.

Khi đã có giấy phép đăng ký kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: “Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường”.

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm là Cục quản lý dược – Bộ Y tế đối với mỹ phẩm nhập khẩu và Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản phẩm đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước.

Ngoài ra, theo điểm C Khoản 1 Điều 7 Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì: “Đối với mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị.

Việc đ­ưa mỹ phẩm từ Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh vào các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh hoặc đưa vào thị trường nội địa để kinh doanh; đưa mỹ phẩm từ Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vào thị trường nội địa để kinh doanh phải thực hiện công bố tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế theo quy định của Thông tư này (tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm mỹ phẩm phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam và nằm ngoài 2 khu này)”.

Sau khi đã được cấp phép lưu thông ra thị trường, các tổ chức, cá nhân còn phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.

Nhà sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm phải đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN. Giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN quy định tại Phụ lục số 06-MP. Thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các Phụ lục (Annexes) - bản mới nhất của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

 Và còn một điều khá quan trọng là nhãn mỹ phẩm khi lưu thông ra thị trường phải đáp ứng quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19, 20 Chương V Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

Hồ Ninh

comment Bình luận

largeer