Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 7/5/1982)

Hôm nay, ngày 10/5 là kỷ niệm ngày sinh của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng - bác sĩ phẫu thuật nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan, người đã cách mạng hóa phương pháp phẫu thuật cắt gan cho các bác sĩ trên khắp thế giới.
10/05/2022 09:56

Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 7/5/1982) là một bác sĩ phẫu thuật, nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan. Giáo sư được biết đến là tác giả của "phương pháp cắt gan khô" hay còn được gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng".

Ông sinh ra tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế; xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa thời bấy giờ).

Tận mắt chứng kiến cảnh yếu hèn của vua quan ở Huế, người thanh niên trẻ Tôn Thất Tùng không theo nghiệp học làm quan mà quyết định ra Hà Nội học tại trường Trung học Bảo Hộ (tức là trường Bưởi - trường THPT Chu Văn An ngày nay).

Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề "tự do", không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú.

Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng

Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng

Ở thời kỳ này, chính quyền thuộc địa Pháp cấm người Việt Nam theo học ngành y khoa nâng cao. Tôn Thất Tùng đã phản đối chính sách hà khắc này và khơi dậy phong trào giáo dục bình đẳng. Những nỗ lực của ông cuối cùng đã buộc chính quyền thuộc địa cho phép sinh viên Việt Nam tham gia kỳ thi tuyển sinh cư trú vào năm 1938.

Từ đây bắt đầu những năm tháng tự do khám phá và đầy thành công của vị bác sỹ lừng danh. Chỉ tính riêng 10 năm (từ năm 1936 - 1945), ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông.

Với thành tựu vượt trội đó, năm 1940, ông được nhà cầm quyền Đông Dương thừa nhận và bổ nhiệm làm Trưởng khoa ngoại Đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Trong 4 năm nghiên cứu sinh, Tôn Thất Tùng đã tiến hành phẫu tích trên hơn 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan". Ông trở thành người đầu tiên thực hiện nghiên cứu tỉ mỉ về cơ quan này.

Kiến thức sâu rộng về giải phẫu gan đã giúp ông nhận ra phương pháp phẫu thuật gan truyền thống - một phương pháp mất từ 3 - 6 giờ để hoàn thành - mang tới những rủi ro và rườm rà không cần thiết. Tôn Thất Tùng đã sáng lập ra phương pháp phẫu thuật mới giúp giảm thiểu chảy máu bằng cách thắt chặt các tĩnh mạch gan trước ca mổ, rút ngắn ca mổ chỉ còn 4 - 8 phút. Kỹ thuật đột phá của ông, thường được gọi là "Phương pháp Tôn Thất Tùng", được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn cầu biết tới nhờ khả năng giảm mất máu và cứu sống vô số người.

Ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học cho đến khi gặp Bác Hồ. Một cách tự nhiên, ông trở thành người chiến sỹ đầy nhiệt huyết với cách mạng. Sau năm 1945, ông được tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Bác.

Ngày kháng chiến bùng nổ, ông rời bỏ phố thị, hăng hái đưa cả gia đình lên rừng theo kháng chiến. Tại đây, ông là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo thầy thuốc, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng quân y. Ông đã cùng GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, sản xuất được kháng sinh Penicilline ngay tại chiến trường - một công việc cấp bách đối với kháng chiến mà chưa từng nước nào làm được.

Năm 1947, Chính phủ cử ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế khi mới 35 tuổi. Và giữ chức vụ này tới năm 1961.

Từ năm 1954, Giáo sư Tôn Thất Tùng làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội.

Ngày 7/5/1982, GS Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội, thọ 70 tuổi; an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Để kỷ niệm 110 ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng, dịp này Google đã nhờ tới nghệ sĩ Châu Lương minh họa cho doodle đặc biệt ngày hôm nay thay cho lời ghi nhận những đóng góp của ông đối với nền y khoa không chỉ tại nước nhà mà trên toàn thế giới.

Thu Trang (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer