Ký ức khó phai của chàng trai “Bộ đội Radar” sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Vào 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, cổng Dinh Độc Lập đã bị húc đổ, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay ngay tại tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải.
Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; Giải phóng toàn bộ miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; Đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Ông Đỗ Việt Hà, Trưởng Ban Văn hóa Thể dục Thể thao, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam
Chìm sâu vào kí ức của những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn khốc liệt nhất, ông Đỗ Việt Hà kể lại: “Vào khoảng năm 1973-1974, lúc tôi 17-18 tuổi, đang học phổ thông tại Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đã đăng ký nhập ngũ tham gia phục vụ chiến đấu. Nhưng tại thời điểm đó, các anh trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã đến nhà đặt vấn đề, muốn tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 291, Sư đoàn 373, Đoàn Ba Bể của Quân chủng Phòng không - Không quân (khi đó gọi là Binh chủng Radar)”.
Binh chủng Radar có nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ, dò tìm các mục tiêu xâm phạm vùng trời, vùng biển - hải đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam để kịp thời thông báo cho các lực lượng Phòng không - Không quân và Hải quân ngăn chặn đúng lúc, bảo vệ vùng trời Việt Nam.
Ngày 12/4/1975, chàng trai Đỗ Việt Hà nhập ngũ, mang theo bao nhiêu sự quyết tâm, háo hức, hoài bão của tuổi trẻ, mong sao đóng góp một phần công sức của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Ông Việt Hà còn nhớ như in ngày đầu buổi sáng nhập ngũ, buổi chiều đã được lên tàu đi thẳng vào phía Nam. Đến ga Quán Hành, thành phố Vinh, Nghệ An, đoàn hành quân đến đóng quân ở thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An và ở trong nhà dân để hàng ngày ra thao trường huấn luyện. Trong 3 tháng huấn luyện, ông được học các yếu lĩnh cơ bản của người lính bộ binh, hành… để phục vụ và tham gia chiến đấu.
“Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã được giao làm Tiểu đội phó huấn luyện và sau 3 tháng rèn luyện, tôi được phân công về Ban Tác Huấn trung đoàn 291, sư đoàn 373 làm nhân viên đồ bản”, ông Hà cho hay.
Niềm hạnh phúc dâng trào trong khoảnh khắc lịch sử của dân tộc
Thời khắc trọng đại của toàn dân tộc mà ông Hà luôn nhớ mãi, đó là khi đang cùng các chiến sĩ trong đơn vị huấn luyện thì nghe tin miền Nam được giải phóng. Sự vui sướng đan xen với niềm hạnh phúc tột cùng, khó có thể diễn tả được. Vậy là sau bao nhiêu năm kiên cường chiến đấu, dân tộc Việt Nam đã giành lại được lãnh thổ, thống nhất đất nước.
“Sau giải phóng, Trung đoàn của tôi nhận nhiệm vụ tiếp quản khí tài về Radar cảnh giới của Mỹ - Nguỵ tại sân bay Phú Bài, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên đường hành quân, đường xá đi lại rất khó khăn, phải mất cả tuần mới tới nơi nhưng tôi luôn nhớ trách nhiệm của mình là ghi chép, lưu trữ tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị Radar”. Ông Hà nhớ lại khoảnh khắc đặt chân đến vùng đất giải phóng, dù súng đạn của địch vẫn còn rải vương vãi dọc đường quốc lộ, trong sân bay… nhưng cảm xúc ai nấy đều lẫn lộn, không dấu nổi niềm vui, sự háo hức, vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Một hình ảnh kỉ niệm của ông Đỗ Việt Hà tại biên giới phía Bắc
Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó vẫn còn rất nhiều sự lo lắng, ông Hà trầm ngâm nói: “Khi vào đến sân bay, tôi thấy khó ngủ, 1 phần là vì háo hức, vui sướng, phần nữa là phải cảnh giác vì vẫn nghe thấy tiếng súng đạn đì đùng cả ngày lẫn đêm, lo nguy cơ gặp biệt kích… Vì vậy, Đoàn công tác luôn bố trí người canh gác trong thời gian tiếp quản. Bên cạnh đó, khi bước vào các cơ sở của quân địch, cũng không thể không lưu ý các tình huống xấu khác như có thể định cài mìn hay đặt các chất độc dạng bột hóa học trong các dụng cụ, khí tài và cả trong các tài liệu để lại…”.
Một kỉ niệm sâu sắc nhất khi làm nhiệm vụ khiến ông Hà thấy được sự tàn ác của chiến tranh đã cướp đi nhân tính của con người, gây ra nỗi sợ hãi, oán hận trong lòng dân.
“Đó là một ngày đi tiếp cận với dân làng trong Ấp chiến lược quanh sân bay, chúng tôi phải đi men vào nhà dân bằng lối đi chăng dây thép gai rất hẹp, phải nghiêng và lách người mới có thể lọt qua. Chúng tôi đã gặp 1 ông lão mặt rất buồn, cúi gằm, chính ông lão kể rằng, thằng con của ông tàn ác lắm. Ông chỉ lên ngọn tre trước mặt, nơi có một túm tóc đang treo lơ lửng và nói: ‘Khi ở sân bay, con tôi – sĩ quan ngụy, một trong những người bắt được 2 nữ du kích cộng sản, chúng nó đào cát chôn sống 2 cô gái ấy, nhưng chỉ chôn đến cổ. Có 1 cô tóc rất dài, chúng nó vít ngọn tre xuống buộc tóc vào đó, còn 1 cô tóc ngắn, nó cũng buộc túm tóc nhưng vít vào cây tre nhỏ hơn, rồi dùng dao cứa cổ, cây tre bật lên, cả đầu của cô bị bật lên trên đầu ngọn cây tre, dân sợ quá nên chặt cây tre đó đi. Còn cô tóc dài bị neo sau gần một tuần thì bị ngọn tre kéo níu lột cả da đầu nên tóc vẫn còn treo trên ngọn cây’”, khi kể lại, ông Hà vẫn cảm thấy ghê rợn và hãi hùng.
Tuy vậy, nhiệm vụ vẫn là ưu tiên hàng đầu cần hoàn thành, ông Hà cùng đồng đội hàng ngày miệt mài đi khảo sát, tìm hiểu, dựa vào dân để biết cơ sở vật chất, khí tài quân địch dấu ở những đâu. Phải thăm dò chỗ nào có bãi mìn để tránh và đánh dấu, ghi chép lại, vẽ sơ đồ đường đi, hoặc biết vị trí máy ở đâu, hệ thống tài liệu ở đâu để thu gom,…
“Chủ yếu là chúng tôi phải nắm bắt, chủ động kiểm soát được tình hình, chỉ đến các địa điểm có khí tài, tài liệu liên quan, thậm chí có cả những tài liệu không liên quan cũng phải gom nhặt”, ông Hà cho biết.
Từ một học sinh phổ thông tham gia bộ đội, mới đầu ông Hà còn nhiều bỡ ngỡ, gặp không ít khó khăn, áp lực lớn nhất trong thời gian nhận nhiệm vụ làm chuyên môn, phải tự tìm hiểu và tự học để khi được giao công việc phải hoàn thành thật tốt.
Đổi lại, trong những tháng ngày sống và làm việc phục vụ Tổ quốc, bản thân ông Hà đã trưởng thành hơn rất nhiều, đã thích nghi và cảm nhận được hậu quả của chiến tranh. Luôn vững vàng, anh dũng, sống đúng với cốt cách đẹp đẽ của người chiến sĩ Nhân dân Việt Nam.
Trong những ngày tháng kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ông Hà lại dâng lên những suy tư thời trai trẻ, kèm theo đó là sự tự hào. Tuổi thơ của ông bị đè nén bởi những khó khăn, gian khổ trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của máy bay Mỹ. Nhớ lại thời tuổi trẻ luôn phải chạy trú ẩn mỗi khi bị đánh bom, hình ảnh chui xuống hầm đầy bùn, nước tránh bom, cái cảnh đi sơ tán, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn do bị bom Mỹ ngay tại ngôi nhà của mình vào ngày 18/12/1972,… lại hiển hiện trong ánh mắt người Bộ đội Radar năm ấy.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những gì nó để lại vẫn cứ hiện diện, ám ảnh, bám riết lấy tâm hồn, lấy ký ức, lấy từng hơi thở của những người may mắn sống sót. 50 năm hòa bình quý giá và đáng trân trọng lắm, là sự đánh đổi, hy sinh của vô vàn trái tim trẻ mãi “kẹt” ở tuổi đôi mươi.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), những người làm báo tại Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Đỗ Việt Hà, Trưởng Ban Văn hóa Thể dục Thể thao, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nói riêng và các cựu chiến binh trên cả nước nói chung. Chúng cháu luôn luôn ghi nhớ công lao to lớn của các vị Anh hùng, các Thương binh – Liệt sĩ đã hi sinh thân mình vì sự nghiệp hòa bình, độc lập của đất nước.
Thu Trang (Ảnh: NVCC)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị thoái hóa khớp tại Bệnh viện An Việt
Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa, các bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp trở thành gánh nặng y tế ngày càng rõ rệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 người trên 40 tuổi thì có ít nhất 2 người đang phải đối mặt với thoái hóa khớp. Nhu cầu điều trị hiệu quả, bền vững, hạn chế xâm lấn là mong muốn cấp thiết của hàng triệu bệnh nhân.April 23 at 10:49 am -
Sản phẩm Xương Khớp HTVN không chứa chất cấm, an toàn với người tiêu dùng
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xương Khớp HTVN là thương hiệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cung ứng & Phát triển HT Software VN (Công ty Software), được dùng trong các trường hợp chăm sóc sức khỏe xương khớp. Sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia chứng nhận không chứa chất cấm, an toàn với người tiêu dùng.April 22 at 8:12 am -
BVĐK Tâm Anh, VNVC hợp tác xây dựng mạng lưới thông tin y tế vì cộng đồng trên TikTok
Hàng nghìn chuyên gia y tế uy tín thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC sẽ là lực lượng trọng tâm đóng góp cho chiến dịch xây dựng mạng lưới thông tin y tế chuẩn khoa học, đáng tin cậy và dễ tiếp cận vì sức khỏe cộng đồng trên nền tảng TikTok với hashtag #TikTokForHealth.April 21 at 3:32 pm -
Hai ông lớn bất động sản và y tế hợp tác xây dựng bệnh viện nghìn giường, khám chữa bệnh đa khoa và chuyên sâu ung bướu công nghệ cao
Là khu đô thị xanh, hiện đại bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, Công ty Phú Mỹ Hưng đã dành “khu đất vàng” đắt giá để chào đón Hệ thống BVĐK Tâm Anh đầu tư xây dựng bệnh viện hiện đại nghìn giường với công nghệ khám chữa bệnh đẳng cấp quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tiện ích phục vụ cư dân khu đô thị và người dân thành phố.April 19 at 10:18 am