Lâm Đồng: Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em khi mùa hè tới luôn là vấn đề nhức nhối đối với cả cộng đồng, để lại những nỗi đau, dằn vặt cho các bậc phụ huynh, gia đình và xã hội.
01/07/2023 14:40

Điều đáng tiếc là mặc dù cơ quan chức năng địa phương cũng như ngành Giáo dục đã chủ động tuyên truyền, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng số vụ trẻ em tử vong do đuối nước từ đầu hè năm nay vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Thời tiết tại Lâm Đồng những tháng qua thường mưa vào đầu giờ chiều nhưng buổi sáng trời vẫn khá nắng nóng. Bên cạnh đó, đây là thời gian nghỉ hè nên rất nhiều các em học sinh trên địa bàn thường chọn khu vực hồ thủy lợi, sông, suối... tự nhiên, ở gần nhà để giải nhiệt, vui chơi bên cạnh các loại hình giải trí khác. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đuối nước, đặc biệt, đối với trẻ em ở bậc tiểu học.

Trẻ nhỏ tắm sông, suối, ao, hồ… không có người lớn biết bơi trông coi sẽ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước

Trẻ nhỏ tắm sông, suối, ao, hồ… không có người lớn biết bơi trông coi sẽ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước

Ở lứa tuổi này, nếu xảy ra tình huống xấu không biết bơi hay bị chuột rút cộng với việc không có người lớn biết bơi đi kèm, rủi ro đuối nước dẫn tới tử vong ở các em là rất cao.

Mới đây nhất, ngày 22/6 là vụ đuối nước thương tâm làm 3 người tử vong tại địa bàn huyện Cát Tiên. Thông tin ban đầu cho biết, trong lúc chị L.T.H (29 tuổi) cùng con trai Đ.Đ.V (10 tuổi) và cháu họ Đ.G.B (16 tuổi, cùng ngụ thôn Tân Xuân, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) đến hồ thủy lợi Bê Đê thuộc địa bàn xã Đồng Nai Thượng hóng mát. Trong lúc vui đùa, cháu V. không may trượt chân rơi xuống hồ. Thấy vậy, chị H. và B. bơi ra hồ để cứu, do nước hồ rất sâu nên cả 3 đều bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Trước đó, chưa đầy 2 tuần, vào trưa 11/6, một nhóm 4 em học sinh rủ nhau vào suối dưới chân thác 3 tầng thuộc Thôn 3 (xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) chơi đùa. Sau đó, cả 4 em cùng nhau xuống suối tắm thì không may 2 em nhỏ 7 tuổi bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi, nhấn chìm. Cũng tại huyện Bảo Lâm vào ngày 20/5, 4 trẻ nhỏ ngụ xã Lộc Thành cùng dắt nhau đi chơi trong khu vực vườn cà phê. Trong lúc chơi đùa, không may cháu Ph. Th. D. Ph. (6 tuổi) bị trượt chân rơi xuống ao, tử vong sau đó ít phút. Và trưa cùng ngày tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh) một vụ đuối nước thương tâm tiếp diễn khiến một cháu bé tử vong thương tâm. Thời điểm trên, cháu K'. D. (4 tuổi, ngụ Thôn 14, xã Hòa Bắc) vào vườn cùng bố mẹ. Trong lúc chơi đùa gần ao tưới cà phê, cháu D. không may bị ngã xuống ao. Sau khi phát hiện, bố mẹ đã vớt lên bờ nhưng đã không kịp cứu con mình.

Như vậy ghi nhận sơ bộ trong 2 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Cát Tiên và TP Bảo Lộc, làm ít nhất 8 trẻ em từ 4 tới 7 tuổi tử vong. Đây là sự việc hết sức đau lòng khi những vụ trẻ đuối nước liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh chỉ trong thời gian ngắn, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo cơ quan chức năng, Lâm Đồng có mạng lưới sông, suối khá phong phú. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 sông, suối lớn có chiều dài trên 10km. Có 7 hệ thống sông chính; trên 212 hồ chứa, 5 liên hồ chứa, 22 hồ chứa thủy điện và gần 1.000km kênh, mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Việc hệ thống sông ngòi phong phú cũng đặt ra thách thức lớn đối với công tác bảo vệ, cảnh báo, tăng nguy cơ trẻ em vui chơi tự phát đi cùng với rủi ro do đuối nước.

Do hệ thống sông, suối tại nhiều địa phương khá dày đặc, có nhiều đoạn rất khó rào chắn vì xa khu dân cư, chi phí rào chắn tốn kém, chỉ có thể cắm biển cảnh báo ở một số vị trí nguy cơ cao. Trong khi đó trẻ nhỏ, học sinh thường rất hiếu động, cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến việc hạn chế trẻ em bơi lội để giải nhiệt gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể, trên địa bàn tỉnh do điều kiện canh tác, rất nhiều gia đình phải đào ao, hồ trong vườn để dự trữ nước tưới rau màu, các loại cây trồng. Đặc điểm các hồ nhân tạo muốn giữ nước thường lót bạt chống thấm từ đáy bao xung quanh bờ, chiều sâu từ 2 tới 5 m nên khi trẻ xuống bơi hoặc trượt chân xuống khó tự trèo lên bờ, rủi ro tử vong luôn tiềm ẩn. Thực tế cho thấy từ năm 2021 tới nay, số vụ đuối nước tại các ao, hồ nhỏ lót bạt trữ nước vẫn diễn ra thường xuyên và chưa có dấu hiệu giảm về số vụ.

Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng từ đầu năm tới nay đã ra nhiều văn bản đốc thúc, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước ở trẻ. Bên cạnh đó, có biện pháp hướng dẫn, tăng cường kiểm tra việc cắm biển báo nguy hiểm, cấm bơi lội ở các khu vực sông, suối, ao, hồ có nguy cơ đuối nước cũng như tuyên truyền sâu rộng các nội dung tới các tầng lớp Nhân dân, nhất là những vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.

Các địa phương cần yêu cầu người dân cam kết rào chắn khu vực ao, hồ tự đào trong khu vực vườn, trại để giảm thiểu rủi ro. UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện công tác này. Không để xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em do sự lơ là, chủ quan, triển khai thiếu quyết liệt của địa phương.

Dũng Nguyễn

comment Bình luận

largeer