Lâm Đồng tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật

Ngày 16/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023 – 2030.
16/10/2023 16:11

Mục tiêu xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên cạn theo quy định của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH). Đến năm 2025 xây dựng và duy trì 30 cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Xây dựng thành công 2 vùng ATDB cấp xã  đối với bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu bò; 2 vùng ATDB cấp xã đối với bệnh dại.

Giai đoạn 2026 -2030 duy trì 30 cơ sở ATDB và 4 vùng ATDB cấp xã đã được công nhận; xây dựng mới 10 cơ sở ATDB, 15 vùng ATDB cấp xã, 1 vùng ATDB cấp huyện đối với bệnh dại, 1 vùng ATDB cấp huyện đối với bệnh lở mồm long móng và 3 vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030. Phấn đấu 100% động vật tại cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ. Nâng cao năng lực quản lý thuốc, vaccine thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 – 2030. Hằng năm, phấn đấu trên 50% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y được kiểm tra, giám sát; lấy mẫu thuốc, vaccine thú y lưu hành trên thị trường thuộc địa bàn tỉnh để giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực.

Ảnh minh họa: Nông nghiệp

Ảnh minh họa: Nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 – 2030. Tham gia xây dựng kho dữ liệu số dùng chung ngành thú y, tích hợp với dữ liệu dùng chung của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản. Ứng dụng, vận hành hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP; hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm dịch động vật; hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý thuốc thú y sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và đưa vào hoạt động. Hệ thống trực tuyến chỉ đạo điều hành, tập huấn chuyên môn, nghiệp về công tác thú y được thiết lập mới.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị liên quan, trực thuộc và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Hằng năm, xây dựng dự toán nhu cầu kinh phí của cấp tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Kịp thời đề xuất, tham mưu trình UBND tỉnh những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; phòng chống kháng thuốc, chia sẻ kịp thời thông tin về kháng thuốc trong y tế. Triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP theo quy định. Phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật và các cá nhân có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, có hiệu quả.

Minh Tuấn

comment Bình luận

largeer