Làm thế nào giúp trẻ tạo thói quen ăn nhiều rau quả?

Việc tập cho con thói quen ăn nhiều rau củ và trái cây là hành trình gian khổ của các bậc phụ huynh. Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Appetite, một cách có thể khuyến khích trẻ nhỏ ăn thêm rau củ là tăng thêm số lượng thực phẩm này trong phần ăn thông thường.
05/08/2022 12:06

Trong thử nghiệm kéo dài 1 tháng, các chuyên gia tại Ðại học Bang Pennsylvania (Mỹ) đã cho 67 trẻ từ 3-5 tuổi dùng những phần cơm trưa chứa lượng bông cải xanh và bắp khác nhau 1 lần trong tuần, nhằm đánh giá những chuyển biến trong thói quen ăn rau của trẻ. Cụ thể, các bé lần lượt được cho dùng một phần ăn bình thường chứa rau không nêm gia vị, một phần ăn chứa rau nêm thêm muối và bơ, một phần ăn được tăng gấp đôi số lượng rau không nêm gia vị và một phần ăn được tăng gấp đôi số lượng rau nêm thêm muối và bơ. Thức ăn được cân trước và sau khi trẻ dùng để đo lượng thực phẩm được tiêu thụ.

Kết quả cuối cùng cho thấy khi tăng gấp đôi lượng rau dùng cho mỗi phần ăn trưa - từ 60gr lên 120gr, trẻ ăn thêm trung bình 68% (21gr) số rau củ trong phần ăn và việc có nêm thêm gia vị hay không cũng không ảnh hưởng tới việc trẻ ăn thêm rau. Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ tăng thêm này tương đương 1/3 khẩu phần hoặc 12% lượng rau củ mà trẻ nhỏ được khuyến nghị ăn hằng ngày. Vì thế, việc thêm rau củ vào phần ăn có thể giúp ích cho các nỗ lực khuyến khích trẻ ăn đủ lượng rau được khuyến nghị trong ngày. Tuy vậy, chiến lược này chỉ phát huy hiệu quả khi trẻ ăn loại rau yêu thích, chứ không phải bị ép ăn những loại rau mà trẻ không thích.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia dinh dưỡng người Anh Kate Llewellyn-Waters, ngoài tăng lượng rau củ trong khẩu phần, phụ huynh có thể áp dụng thêm một vài bí quyết đối phó “bệnh” lười ăn rau của trẻ như sau:

1. Nói về vấn đề dinh dưỡng, tránh đề cập về lượng calo dung nạp. Nói cho trẻ hiểu về dinh dưỡng và những thứ có trong thức ăn là điều rất quan trọng. Do đó, phụ huynh nên giải thích cho trẻ biết vì sao các loại vitamin và khoáng chất trong thực phẩm - ở đây là rau củ quả - được xem là dưỡng chất thiết yếu, cần thiết cho sức khỏe tổng thể và mọi chức năng của cơ thể. Cách này giúp khuyến khích trẻ đưa ra những lựa chọn ăn uống lành mạnh cho bản thân ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

2. Trữ nhiều rau củ và trái cây dồi dào dưỡng chất và chất xơ, nhưng có hàm lượng calo thấp. Do chất xơ giúp no lâu và ngăn chặn cơn thèm thức ăn vặt nhiều đường, nhiều chất béo, nên phụ huynh hãy dành phân nửa phần ăn là những loại rau củ để đảm bảo trẻ dung nạp được nhiều chất xơ, cũng như các loại vitamin và khoáng chất. Nhớ cho trẻ ăn thêm các loại đậu, bởi đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ và là nguồn đạm thực vật tuyệt vời để thay thế đạm động vật, cũng như giúp ích cho sự tăng trưởng và tu sửa tế bào.

3. Không ép trẻ dùng phần ăn người lớn và phải ăn hết mọi thứ. Hãy bắt đầu cho trẻ ăn từ những phần ăn nhỏ, nếu thấy trẻ còn đói thì mới cho thêm thức ăn. Bởi mỗi trẻ là một cá thể khác nhau và trong khi bé này có thể no bụng với một phần ăn nhỏ, bé khác lại cần tới 2 phần ăn mới thỏa mãn. Nhớ đảm bảo bữa ăn của con luôn đa dạng các loại rau, đạm chất lượng cao (trứng, thịt, cá, đậu...), ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa chất béo tốt (dầu ôliu, bơ). Ngoài ra, trình bày dĩa thức ăn vui mắt cũng là một mẹo khuyến khích trẻ nhỏ ăn thêm rau.

4. Hạn chế đồ ngọt. Thường xuyên ăn vặt giữa các bữa chính dễ khiến trẻ hấp thụ nhiều calo hơn mức cơ thể cần, về lâu dài dẫn đến tăng cân. Nếu trẻ thấy đói giữa các bữa ăn chính, hãy cho trẻ dùng thức ăn vặt lành mạnh như các loại hạt hoặc trái cây.

5. Khuyến khích trẻ vận động. Mọi trẻ em nên vận động thể chất ít nhất 60 phút/ngày để có sức khỏe tốt. Trẻ không cần tập luyện liên tục, mà có thể kết hợp các hình thức vận động ngoài trời để trẻ luôn cảm thấy thoải mái - như dạo công viên kết hợp với chơi thể thao. Việc giữ cho không khí gia đình vui nhộn và năng động cũng giúp trẻ thấy thích vận động hơn so với khi bị ép tập thể dục.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer