Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm rực sắc màu trong ngày Tết ông Công, ông Táo

Tất bật người bán, người mua, hòa cùng sắc đỏ rực rỡ của cá chép đã tạo nên hình ảnh rất đỗi quen thuôc, gần gũi với người dân tại Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ mỗi dịp Tết cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp hằng năm).
14/01/2023 09:24

Lễ cúng ông Công, ông Táo là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm, người Việt lại chuẩn bị mua sắm lễ vật, chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo và phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. 

Được mệnh danh là Làng cá chép đỏ, nên cứ vào khoảng sau Rằm tháng Chạp, trước ngày lễ cúng ông Công, ông Táo, cả làng Thủy Trầm bỗng chốc trở nên nhộn nhịp. Hàng đoàn xe tải, xe máy từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội... nườm nượp đổ về thu mua cá.

Ảnh: NDCC

Ảnh: NDCC

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm. Hiện cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 670 hộ dân, trong đó 353 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, sử dụng hơn 1000 lao động tại chỗ. Hàng năm, người dân cung ứng từ 7.000 – 8.000 kg giống cá các loại cho thị trường.

Trong những ngày cận Tết ông Công ông Táo, người dân trong làng đã khẩn trương tát ao, thả lưới. Cá liên tục được thu hoạch và tuyển chọn để bán cho các tiểu thương trong và ngoài tỉnh.

Chị Hà Thủy - Thủy Trầm cho biết, để có cá chép đỏ phục vụ ông Công, ông Táo ngày 23 thì bà con phải vào giống từ tháng 6. Đặc biệt, cá phải được nuôi bằng nước sạch, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, sao cho đến khi cá thu hoạch có màu đỏ tươi, đều vảy và kích cỡ khoảng 2 đến 3 ngón tay là vừa đẹp. Sau khi đánh bắt từ ao, cá nhanh chóng được chuyển sang một ao vây lưới bên cạnh để giúp cá không bị ngạt bùn rồi chuyển đi tiêu thụ.

Cá được chọn lọc đưa lên bể. Ảnh: NDCC

Cá được chọn lọc đưa lên bể. Ảnh: NDCC

"Nhà tôi có 2 ao chuyên nuôi cá. Như mọi năm, năm nay gia đình tôi dự kiến thu khoảng trên 2 tạ. Do năm nay thời tiết cũng thuận lợi hơn năm trước, không bị mưa to ngập ao nhiều nên nuôi cá cũng đạt hơn. Để kịp thời có đủ số lượng cá chép đỏ phục vụ nhu cầu người dân, các thương lái thường đặt cá trước ngày 15 Âm lịch. Năm nay, thương lái ở các tỉnh lân cận về đặt cá nhiều, phân bố ở Hà Nội, Việt Trì, Yên Bái, Tuyên Quang…", chị Hà Thủy cho biết thêm.

Là thương lái thu mua cá trong làng Thủy Trầm đã 5,6 năm nay, cũng như mọi năm, năm nay, anh Bùi Văn Thật - Thủy Trầm, Phú Thọ lấy hơn 1 tấn cá chép đỏ để phân bố đến các tỉnh lân cận. "Số lượng người đặt cá năm nay tương đối lớn, các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội,... đều đặt cá nhà tôi, họ thường đặt cá trước 15 - 20 ngày. Để chọn lựa được một con cá chép đỏ đẹp, nên chọn những con cá có kích thước bằng 2 ngón tay, màu đỏ tươi, đều vảy, không dị tật, không đốm đen, thân hình cân đối. Giá bán buôn cho các thương lái tại ao hiện dao động 90.000 - 120.000 đồng/kg",  anh Bùi Văn Thật cho biết.

Ảnh: NDCC

Ảnh: NDCC

Hôm nay, nhằm đúng ngày ông Công, ông Táo, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến làng Thuỷ Trầm để mua cá. Trước khi bán, người nuôi đã chọn lọc những con cá tốt nhất, không để lẫn những chú cá bị lỗi, yếu. Cá cũng được phân ra thành các loại khác nhau, tùy thuộc vào độ đẹp, độ lớn để định giá thành cho phù hợp. Cá được làm sạch, chọn lọc rồi cho vào bể sục trước khi đưa ra thị trường. Do đó, người dân đến mua cá đều yên tâm về hình thức cũng như chất lượng của mỗi con cá.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer