Lãnh đạo bang Ấn Độ kêu gọi ngừng xuất khẩu vaccine

Ấn Độ vẫn chìm trong khủng hoảng COVID-19, lãnh đạo các bang kêu gọi Thủ tướng Modi ngừng xuất khẩu vaccine, tăng cường sản xuất và mua thêm.
13/05/2021 07:32

Thế giới đã ghi nhận 161.034.970 ca nhiễm COVID-19 và 3.343.921 ca tử vong, tăng lần lượt 745.306 và 13.957, trong đó 138.762.293 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 23.697.175 ca nhiễm và 258.351 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 356.719 và 4.126 ca. Dịch bệnh hoành hành khắp cả nước, từ thành thị tới nông thôn, khiến hệ thống y tế, lò hỏa táng và nghĩa trang quá tải.

Các chuyên gia chưa thể nói chắc khi nào số ca nhiễm đạt đỉnh, ngày càng nhiều người lo ngại về khả năng lây lan của biến chủng mới. Lãnh đạo các bang Ấn Độ kêu gọi vaccine để ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai và sự tàn phá mà nó gây ra, thúc giục Thủ tướng Narenda Modi ngừng xuất khẩu vaccine, đẩy mạnh sản xuất và mua thêm từ nước ngoài.

000-99U7X2-6551-1620863672

Gia đình than khóc khi tình nguyện viên chuẩn bị hỏa táng một em bé chết vì COVID-19 tại New Delhi ngày 12/5 (Ảnh: AFP)

"Người dân sẽ chết theo cách tương tự như bây giờ trong làn sóng thứ ba và thứ tư" mà không có vaccine, phó thủ hiến khu vực Delhi Manish Sisodia nói ngày 12/5.

Số ca nhiễm hàng ngày đang tăng nhanh chóng ở vùng nông thôn so với đô thị lớn, những nơi đang chậm lại sau đợt tăng đột biến tháng trước. Hơn một nửa số ca COVID-19 trong tuần này ở bang Maharashtra phía tây ghi nhận tại vùng nông thôn, tăng so với con số một phần ba tháng trước. Tỷ lệ này cũng chiếm gần 2/3 dân số, chủ yếu là ở vùng nông thôn tại bang Utta Pradesh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay Ấn Độ chiếm một nửa trong tổng số ca COVID-19 và 30% số ca tử vong trên toàn thế giới. Biến chủng B.1.617 đã được WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại" bởi lây lan nhanh hơn bản gốc và có khả năng trốn tránh vaccine. Tổ chức Y tế Liên Mỹ cho hay biến chủng Ấn Độ đã xuất hiện ở 6 quốc gia châu Mỹ, lo ngại nó có khả năng lây lan cao.

Anh đang xem xét mọi giải pháp đối phó với số ca nhiễm biến chủng Ấn Độ gia tăng ở nội địa, còn Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi 27 quốc gia thành viên ngừng đi lại không thiết yếu từ Ấn Độ để hạn chế lây lan.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.582.246 ca nhiễm và 597.719 ca tử vong do COVID-19, tăng 37.434 ca nhiễm và 841 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố cách thức mới tiếp cận vaccine dễ dàng hơn. Ông cho hay các công ty đi chung xe Uber và Lyft sẽ cung cấp chuyến đi miễn phí tới các điểm tiêm chủng từ ngày 24/5 tới 4/7, nhằm đáp ứng mục tiêu 70% người trưởng thành ở Mỹ được chủng ngừa ít nhất một mũi vaccine trước ngày 4/7.

"Chúng ta đang trên đà đạt tỷ lệ 60% người trưởng thành tiêm chủng ít nhất một mũi vào tuần tới. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng tỷ lệ này lên 70% nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được", Biden nói ngày 12/5.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.359.397 ca nhiễm và 428.034 ca tử vong, tăng lần lượt 76.692 và 2.494.

Giới chức bang đông dân nhất Brazil cho hay đang cố vận động thuyết phục Chính phủ Trung Quốc cho phép xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hàng triệu liều vaccine trong bối cảnh nguồn cung vaccine đột ngột thiếu hụt.

Quốc gia Nam Mỹ này phụ thuộc nhiều vào vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Trong những tuần gần đây, một số thành phố của Brazil đã ngừng hoặc hoãn tiêm do giảm nguồn cung.

Viện Butantan, nhà máy sản xuất vaccine thuộc quản lý của chính quyền bang Sao Paulo, phải giảm tiến độ sản xuất do thiếu nguyên liệu. Thống đốc bang Joao Doria đã trò chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Brazil, cho biết đại sứ sẽ phản hồi với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để giải phóng số nguyên liệu thô có sẵn trong phòng thí nghiệm của Sinovac.

"Nguyên liệu thô đã có sẵn trong các thùng lạnh, chỉ đợi sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc", Doria nói, nhấn mạnh nguy cơ ngừng tiêm chủng nếu 10.000 lít nguyên liệu thô đang mắc kẹt ở Trung Quốc đủ để sản xuất 18 triệu liều vaccine không tới sớm.

Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Quốc gia này ghi nhận 39 ca tử vong trong số 4.765 ca nhiễm mới ngày 12/5, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 450.000 với 1.761 ca tử vong, cao thứ ba khu vực sau Indonesia và Philippines.

Bộ Y tế cảnh báo số ca nhiễm mới theo ngày ở Malaysia có thể lên tới 5.000 vào giữa tháng 5, con số chưa từng thấy kể từ cuối tháng 1 trong đợt tăng đột biến trước đó. Giới chức cho hay ghi nhận nhiều ca liên quan các biến chủng mới và gần 80% số này không có triệu chứng.

"COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng ở Malaysia rất đáng lo ngại", giám đốc y tế Noor Hisham Abdullah nói. "Người dân cần nỗ lực để tránh bị lây nhiễm loại virus nguy hiểm này".

Chỉ hơn 1,17 triệu người Malaysia mới nhận được ít nhất một mũi tiêm vaccine COVID-19 tính đến 11/5. Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số 32 triệu của đất nước vào tháng 12.

Campuchia ghi nhận thêm 472 ca nhiễm COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 20.695, trong đó 136 người đã tử vong.

Or Vandine, phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia ngày 12/5 cho hay đã ghi nhận 122 ca nhiễm biến chủng Anh và Ấn Độ. Tình hình ở Campuchia hiện nay khác so với năm ngoái vì biến chủng có độc lực mạnh hơn, lây lan nhanh hơn, gây chết người nhiều hơn so với chủng gốc.

"Biến chủng mới này gây khó khăn cho tất cả chúng ta. Chúng ta không được phép mất cảnh giác", bà nói, cảnh báo cần quan sát số ca nhiễm trong tháng 5 có giảm so với tháng 4 không.

"Nếu số ca nhiễm tháng 5 không giảm và cao hơn so với tháng 4, có nghĩa là đợt bùng dịch này ở Campuchia vẫn chưa lắng xuống. Tình hình COVID-19 ở Campuchia vẫn rất đáng lo ngại".

Lào báo cáo 55 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 của nước này lên 1.417, trong đó một ca tử vong là một phụ nữ Việt Nam.

Quốc gia này hôm 10/5 thông báo cụm dịch mới ở sòng bạc Kings Romans do tỷ phú Trung Quốc Zhao Wei xây dựng ở tỉnh Bokeo, tây bắc đất nước, gần biên giới Myanmar và Thái Lan.

Thủ đô Vientiane của Lào từ giữa tháng 4 bắt đầu ghi nhận loạt ca nhiễm từ kỳ nghỉ tết truyền thống, khiến giới chức nhanh chóng áp phong tỏa tại nhiều tỉnh thành gồm Thủ đô Vientiane và cố đô Luang Prabang.

Hồng Hạnh (Theo AFP/Reuters/CNN)

comment Bình luận

largeer