Lào Cai: Chủ động ứng phó với đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Lào Cai ban hành công văn số 3521/UBND-NLN về việc chủ động ứng phó với đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
04/07/2024 11:46

Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 02/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với đợt mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí thượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai. Do chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây đầy dần lên, kết hợp với vùng hội tụ gió trên 5000m. Từ ngày 3/7 đến ngày 4/7/2024, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, sét đánh, mưa đá và gió giật mạnh). Lượng mưa phổ biến 30 - 50mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt. Mưa lớn tập trung chủ yếu tại các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa; Mưa lớn có khả năng kéo dài đến hết ngày 4/7, sau đó thời tiết các khu vực trong tỉnh chuyển mưa rào và dông, cục bộ vẫn có thể xảy ra mưa lớn.

lc1

(Ảnh minh họa: Tài nguyên môi trường)

Để chủ động sẵn sàng trong công tác phòng tránh, ứng phó trước mọi tình huống do mưa, lũ, dông, lốc, mưa đá có thể xảy ra, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và các biện pháp phù hợp phòng chống, ứng phó với mưa, lũ, dông, lốc, sét, mưa đá tại địa phương nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ,... gây ra. Tăng cường thời lượng truyền thông về tình hình thời tiết, khí hậu trên hệ thống loa, đài truyền thanh, thôn, xã; phát huy vai trò của Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn để tuyên truyền đến người dân. Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi có cảnh báo dông, lốc, mưa đá; gia cố bảo vệ mái nhà, vận động, tuyên tuyền người dân thu hoạch những cây trồng đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng".

Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn (Tăng cường vận động, tuyên truyền, có biện pháp cưỡng chế khi cần thiết đối với những trường hợp không di chuyển).

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Phối hợp với các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập, vận hành hồ chứa đúng quy trình; Vận hành xả lũ đúng quy trình; Thông tin kịp thời cho Chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du; chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp.

Tổ chức lực lượng kiểm tra, tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét,... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy; Không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi có mưa, bão; Không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao; nắm bắt đầy đủ thông tin của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ không cho người dân qua những khu vực ngầm tràn khi có lũ, các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Kiểm tra trang thiết bị Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó với các sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh 2 lần/ngày (Trước 7 giờ và 14 giờ hàng ngày) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; Khi có thiệt hại cần thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo cung cấp thông tin cho Sở Thông tin Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực công tác phòng, chống thiên tai): Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND cấp huyện rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất,... để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa, lũ; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đôn đốc cấp huyện sẵn sàng tổ chức sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Đối với các sở, ban, ngành khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 264/QĐ-UBND ngày 22/2/2024 của UBND tỉnh; Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai tại Quyết định 3928/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo, theo dõi, trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc. Đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các biện pháp phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quốc Minh

comment Bình luận

largeer