Lào Cai tăng công phòng chống, ứng phó với bệnh nhiệt thán

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có văn bản số 2913/UBND-NLN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phòng chống, ứng phó với bệnh nhiệt thán.
23/06/2023 10:35

Bệnh nhiệt thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm, thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch; bệnh lây truyền giữa động vật và người; bệnh động vật cấm giết mổ và chữa bệnh. Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Kế hoạch số 389/KH-UBND ngày 30/11/2022 của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thuỷ sản tỉnh Lào Cai năm 2023; chủ động kiểm tra, giám sát bệnh nhiệt thán đến tận thôn, bản, hộ chăn nuôi… đặc biệt tại các địa phương đã từng xảy ra bệnh nhiệt thán, tổ chức kiểm tra vị trí các khu vực “mả” chôn gia súc mắc bệnh nhiệt thán, nếu có hiện tượng sụt, lở, lún phải xử lý theo Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện để xử lý sự cố (nếu có).

Ảnh: Laocai.gov

Ảnh: Laocai.gov

Tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu và tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát đàn gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bệnh, nghi mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay với chính quyền cơ sở, cơ quan thú y; không tự ý vận chuyển, giết mổ gia súc, bán, cho tặng, ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tuân thủ hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chuyên môn về xử lý ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch bệnh, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học.

Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp từ các địa phương khác vào địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND cấp huyện căn cứ Luật Thú y thực hiện công bố dịch theo quy định; áp dụng khẩn cấp các biện pháp chống dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các tuyến đường đi qua ổ dịch, thường trực 24/24 giờ kiểm soát việc vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc ra, vào ổ dịch; phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện ra vào ổ dịch. Tiêu hủy ngay gia súc mắc bệnh, việc tiêu hủy phải thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc ổ dịch. Đặc biệt lưu ý người tham gia chống dịch, xử lý ổ dịch phải có dụng cụ bảo hộ cá nhân, phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, không để bị nhiễm mầm bệnh nhiệt thán. Thực hiện việc báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh trước 16 giờ hàng ngày về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho đến khi kết thúc đợt dịch, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh nhiệt thán trên đàn gia súc tại các địa phương. Trường hợp phát hiện gia súc nghi ngờ mắc bệnh nhiệt thán, chủ động lấy mẫu gửi xét nghiệm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành; phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán, bố trí kinh phí chi trả phí xét nghiệm, vaccine, hóa chất theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phối hợp với ngành Y tế trong việc chia sẻ thông tin, điều tra ổ dịch, ngăn chặn tác nhân gây bệnh lây từ gia súc mắc bệnh sang người và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đáp ứng nhu cầu về phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhiệt thán để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; báo cáo kịp thời và chủ động tham mưu UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện bệnh nhiệt thán và các loại dịch bệnh khác ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

3. Sở Y tế

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giám sát, phát hiện các ca bệnh nhiệt thán để kịp thời có các biện pháp điều trị đảm bảo sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư y tế, trang thiết bị sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thú y cấp huyện, cấp tỉnh) tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chia sẻ kịp thời về thông tin người mắc bệnh Nhiệt thán để phối hợp điều tra, xử lý dịch bệnh.

4. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; dự phòng kinh phí mua vaccine, hóa chất phòng, chống bệnh nhiệt thán khi dịch bệnh xảy ra.

5. Các đơn vị, sở, ngành liên quan

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh nhiệt thán và các loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trong thời gian tới.

Thanh Huyền

comment Bình luận

largeer