Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

UBND tỉnh Lào Cai ban hành công văn số 3779/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
17/07/2024 18:07

Hiện nay, một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine. Thời điểm mùa hè nắng nóng, mưa nhiều và cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch phát triển mạnh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao.

Thực hiện Công điện số 840/CĐ-BYT ngày 09/7/2024 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt các nội dung sau:

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, tổ chức chính trịxã hội địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai công tác truyền thông, thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa hè.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

dichbenh

(Ảnh minh họa: VGP)

Sở Y tế

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè.

Đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ động đánh giá nguy cơ dịch, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa đủ mũi hoặc chưa tiêm vaccine 2 phòng bệnh; Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai (đặc biệt tiêm phòng vaccine phòng uốn ván cho trẻ sơ sinh tại vùng sâu vùng xa vùng dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ sinh tại nhà cao).

Các bệnh viện đảm bảo tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy” tại hộ gia đình; Thực hiện thông thoảng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...; Xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương và tổ chức bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.

Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với ngành y tế cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, Viêm não Nhật Bản, dại... trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện đăng tải thường xuyên các nội dung về phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều thứ tiếng, đa dạng hoá các loại hình truyền thông nhằm truyền tải thông tin đến với người dân.

Sở Giáo dục và Đào tạo 

Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh cho học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại trường học trên địa bàn, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; Thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và chính quyền địa phương các cấp để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức triển khai truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; Không để chó, mèo thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer