Liên Hợp Quốc cảnh báo: Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm thiên tai, nắng nóng, mưa bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng

Mới đây Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm thiên tai, nắng nóng, mưa bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.
20/07/2022 16:33

Tiếp cận đa hướng để ứng phó biến đổi khí hậu

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra cảnh báo nghiêm khắc với các nhà lãnh đạo từ 40 quốc gia tập trung tại Berlin (Đức) để thảo luận về các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 13 từ ngày 17-19/7.

“Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm từ lũ lụt, hạn hán, mưa bão, cháy rừng. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch” - CNBC dẫn lời ông Guterres phát biểu trong thông điệp video gửi các nhà lãnh đạo tham dự Đối thoại.

Chay-Rung-Nang-Nong

Nắng nóng gây cháy rừng ở Pháp (Ảnh: AP)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: “Điều khiến tôi khó chịu nhất là, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, chúng ta không hợp tác được với nhau như một cộng đồng đa phương.

Các quốc gia tiếp tục chơi trò đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của tập thể chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Chúng ta có một lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Quyết định nằm trong tay chúng ta”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề xuất cách tiếp cận đa hướng để ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ.

Thứ nhất, các quốc gia cần giảm lượng khí thải bằng cách loại bỏ than và hướng tới các nguồn năng lượng không phát thải, như năng lượng tái tạo.

Thứ hai, phải tập trung nhiều hơn vào việc thích ứng một cách an toàn với các rủi ro.

Thứ ba, các quốc gia phát triển, giàu có cần thực hiện tốt các cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Ông Guterres cho biết, người dân ở Châu Phi, Nam Á và Trung và Nam Mỹ có nguy cơ tử vong do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cao gấp 15 lần, và sự bất công lớn như vậy không thể kéo dài.

Về mặt này, ông Guterres cho rằng, cần có một hệ thống để ứng phó với mất mát và thiệt hại do khí hậu, vốn đang ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Thời tiết cực đoan bất thường

Phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang phải hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục và những trận cháy rừng hoành hành.

Trong tháng 6 và tháng 7/2022, các đợt nắng nóng đã tấn công Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á, khi nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C, thậm chí 45 độ C ở nhiều nơi và phá vỡ nhiều kỷ lục lâu nay. 

Kể từ tháng 5, Châu Âu đã nằm trong số những "điểm nóng về nắng nóng" nhanh nhất trên thế giới. Ở Tây Âu, nơi vốn đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, làn sóng nắng nóng đã châm ngòi cho những đám cháy rừng hoành hành khắp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số vùng của Pháp.

Hơn 1.500 người đã thiệt mạng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng trong những tuần gần đây.

Ngày 19/7, nhiệt độ ở Anh vượt mốc 40 độ C ở một số khu vực. Trước đó, cơ quan khí tượng quốc gia Anh lần đầu tiên phát cảnh báo đỏ về nắng nóng cực độ, cảnh báo rằng thời tiết nắng nóng có “nguy cơ đe doạ tính mạng”.

Nắng nóng, mưa và lũ lụt chưa từng có ở Ấn Độ và Bangladesh khiến hàng triệu người phải di dời, gần 20 triệu người ở vùng Sừng Châu Phi đang phải sống trong cảnh đói khổ cùng cực do hạn hán. Nhật Bản đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục và các đợt nắng nóng ở Nhật Bản và lũ lụt ở Trung Quốc là bối cảnh cho Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 13.

Maarten Aalst van, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ cho biết: “Với cuộc khủng hoảng khí hậu, những đợt nắng nóng này là một phần bình thường mới của chúng ta. Những đợt nắng nóng chết người xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn".

Các báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu chia sẻ bằng chứng thuyết phục rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu cực đoan ở mọi khu vực trên Trái đất.

Với mỗi mức độ ấm lên thêm của Trái đất, tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Trong ba thập kỷ tới, những đợt nắng nóng kỷ lục có thể trở nên thường xuyên hơn từ 2 đến 7 lần trên khắp thế giới so với 30 năm qua.

Sau năm 2050, nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng, các đợt nắng nóng nguy hiểm có thể thường xuyên hơn từ 3 đến 21 lần.

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2010, Đối thoại Khí hậu Petersberg đã đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ trưởng xây dựng sự đồng thuận chính trị giúp giải quyết những khác biệt về các vấn đề thúc đẩy tiến trình đàm phán. Đối thoại năm nay là cực kỳ quan trọng trong vấn đề này.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer