Lối đi riêng của giáo viên để tạo môi trường gần gũi, tin tưởng với học sinh

Đối với mỗi giáo viên, để thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh mà vẫn tạo được sự gần gũi, tin tưởng không phải là kĩ năng dễ; khó có thể nói là làm được ngay, nhưng ý thức được điều này, thầy cô sẽ có lối đi riêng của mình để tạo ra những phương pháp đổi mới bắt nhịp được với tâm lý của học sinh.
22/09/2021 16:19

Theo cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, vốn dĩ khi đến trường, em học sinh nào cũng có tâm thế rất sợ giáo viên, mặc dù chúng tôi chưa từng tiếp xúc. Vì thế mỗi khi nhận lớp tôi thường tạo không khí vui vẻ cho ngày đầu tiên đến trường của các em.

Thay vì đưa ra các quy định, nội quy của lớp, của trường, tôi sẽ tìm hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của từng học sinh. Học sinh có thể bộc bạch mọi tâm sự qua các hoạt động vui nhộn để tạo sự gắn kết. Mỗi nội quy được lồng ghép một cách khéo léo thông qua các câu chuyện, các tiểu phẩm. Mục đích của tôi vẫn đạt được mà không làm giảm đi cảm hứng của mỗi học sinh khi làm quen với giáo viên.

"Trong dạy học tôi luôn cương và nhu đúng lúc và đúng thời điểm. Có những lúc tôi ngây ngô như một đứa trẻ cũng nhảy múa hát ca, chơi trò chơi cùng các em. Nhưng khi cần nghiêm túc trong làm việc thì nền nếp kỉ cương luôn đặt lên hàng đầu. Những nhắc nhở cá nhân khi học sinh mắc lỗi, những vỗ vai ân cần khi học sinh cần xem lại việc làm của mình, những gương người tốt việc tốt được tuyên dương và nhân rộng. Những bài học giáo dục được đề cao", cô Lê Thị Nếp cho biết.

Trong những lúc khó khăn cô Nếp thường tự nhắc nhở bản thân: Hãy là người kiên cường: Dạy học là một công việc rất áp lực bởi vì học sinh là những người chưa trưởng thành. Khi đối diện với chúng sẽ không tránh khỏi bực bội và chán nản. Những áp lực tấn công, lấy mất năng lượng của tôi một cách từ từ. Phải luôn có sự lựa chọn: Suy sụp bởi áp lực; trở thành người kiên cường. Để kiên định phải học cách thở sâu.

Cô Lê Thị Nếp và học trò

Cô Lê Thị Nếp và học trò

Tiếp đến, hãy là người tích cực: Đồng hành cùng học sinh đồng nghiệp và phụ huynh nên mình phải là người tích cực, không ai thích người tiêu cực. Điều quan trọng nhất là, nếu muốn người khác hạnh phúc thì trước tiên bạn phải hạnh phúc trước. Khi bạn có cảm xúc tiêu cực, bạn không thể khiến học sinh hạnh phúc. Lúc đó cần tìm phần kí ức tốt đẹp mỗi khi gặp tình huống có vấn đề.

Hãy là người biết ơn : Để có những suy nghĩ tích cực hãy tìm thấy điều gì đó để mình biết ơn. Khi ta biết ơn năng lượng tích cực sẽ dồi dào trong ta. Hãy là người cho đi: Cho đi để trưởng thành. Là người cho đi mình sẽ nghĩ dài và nghĩ xa hơn.

Chia sẻ về cách vượt qua áp lực khi giảng dạy, cô Nếp cho hay: Với 25 năm đứng trên bục giảng và gần 20 năm giảng dạy học sinh lớp 1 đã rèn dũa, tôi luyện cho tôi sự kiên trì, bền bỉ và nhẫn nại. Tôi đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều so với những ngày mới ra trường. Dạy – học đối với tiểu học đã khó nhưng dạy – học đối với các học sinh lớp 1 còn khó khăn gấp bội.

Để làm tốt công việc của mình vượt qua áp lực thì theo tôi người giáo viên phải hiểu được tâm lí lứa tuổi của các em. Kiến thức không khó nhưng khó là ở phương pháp và hình thức tổ chức dạy – học.

Học sinh lớp 1 mau nhớ nhanh quên, ưa thích hoạt động vui nhộn học và chơi. Để thu hút các em tham gia tích cực trong học tập, người giáo viên phải luôn linh hoạt sáng tạo trong mỗi hoạt động lên lớp. Mỗi một tiết học là một món ăn phải chế biến làm sao để các con yêu thích hứng thú mỗi ngày. Giỏi kiến thức là chưa đủ. Phải thực sự yêu trẻ - kiên nhẫn có năng lực sư phạm tốt thì mới đồng hành được cùng các em lớp 1.

Khi triển khai chương trình GDPT mới, là những người tiên phong thực hiện chương trình phổ thông đối với lớp 1, tôi đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn, nghiên cứu rất kĩ chương trình tổng thể ở modul 1, các phương pháp và hình thức dạy học ở modul 2, các phương pháp và cách đánh giá học sinh ở modul 3. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu học tập xây dựng kế hoạch dạy học – kế hoạch bài dạy từng môn học, ứng dụng công nghệ thông tin ở modul 4 và còn nhiều modul tiếp theo nữa.

Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp và quá trình học hỏi không ngừng, tôi đã tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới không mấy khó khăn. Từ việc dạy học tiếp cận kiến thức đến việc giáo dục phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học không quá phức tạp khi người giáo viên hiểu mấu chốt của vấn đề và định hướng của chương trình GDPT mới.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer