Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 nhiều đối tượng giả mạo là nhân viên y tế để lừa đảo

Những đối tượng này lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để giả mạo thành bác sĩ, nhân viên y tế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân mắc COVID-19.
25/10/2021 21:49

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nhất là lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để hoạt động có xu hướng tăng, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ở nước ngoài lừa bán khẩu trang để chiếm đoạt

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, tình hình dịch diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ từ đã có tác động tiêu cực rất lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Với những biến chủng mới nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, đã và đang là thách thức vô cùng lớn tới tất cả mọi quốc gia, hệ thống chính trị. Nhiệm vụ của lực lượng Công an càng nặng nề hơn khi vừa phòng, chống dịch đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong đó có tội phạm lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo.

antd-lua-ban-2837

Một trong những đối tượng tại trụ sở công an

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết: Có rất nhiều vụ án các đối tượng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo đã bị Công an các đơn vị phát hiện, bắt giữ, xử lý. Một trong những vụ án đó là vụ việc CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt giữ đối tượng Nguyễn Kim Thanh (SN 1995, HKTT ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Nắm bắt nhu cầu về khẩu trang y tế phòng, chống dịch, Nguyễn Kim Thanh đã đăng tin rao bán một số lượng rất lớn khẩu trang với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Với số lượng khẩu trang được rao bán lớn, lại quá rẻ, đã đánh trúng vào lòng tham của không ít “đầu nậu” muốn thu gom để bán lại kiếm lời. Những ai muốn mua đều phải chuyển tiền đặt cọc cho Thanh tùy theo số lượng khẩu trang muốn mua. Tất cả số tiền mà khách đặt cọc này đều bị Thanh chiếm đoạt.

Quá trình điều tra, CAQ Hoàn Kiếm xác định, Thanh đã tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội để liên hệ tìm kiếm các cửa hàng vàng bạc, cá nhân đang hoạt động tại Việt Nam hoạt động dịch vụ chuyển tiền, vàng ra nước ngoài. Thanh còn thu thập tài khoản ngân hàng với mục đích nhận tiền chiếm đoạt. Mặt khác, Thanh đăng tải các thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội về việc bán khẩu trang y tế giá rẻ.

Sau khi khách hàng đồng ý, Thanh yêu cầu chuyển tiền đặt cọc vào các tài khoản ngân hàng của những hiệu vàng, hoặc người làm dịch vụ chuyển tiền rồi thỏa thuận với những chủ cơ sở này chuyển tiền chiếm đoạt được đến địa chỉ Thanh ở tại Malaysia rồi chiếm đoạt. Qua đấu tranh khai thác, Thanh đã thừa nhận thực hiện 3 vụ lừa đảo với thủ đoạn nêu trên và chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.

“Bật” chế độ cảnh giác cao nhất

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn diến biến khó lường. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều hoạt động dịch vụ, xã hội đã chuyển lên không gian mạng nên tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng hoạt động. Thời điểm này, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng trong điều kiện an toàn mới, thói quen sử dụng những dịch vụ có yếu tố công nghệ cao càng được “lập trình” tối đa trong hầu hết người dân. Tội phạm công nghệ cao cũng từ đó lợi dụng tình hình dịch bệnh và những thay đổi trong sinh hoạt, làm việc, giao dịch của người dân để gây án.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, ngoài một số thủ đoạn mang tính chất “truyền thống” như giả danh cơ quan tư pháp gọi điện thoại để lừa đảo, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, nhắn tin trúng thưởng..., thì gần đây đã xuất hiện nhiều thủ đoạn mới. Chúng phát tán thông tin dịch bệnh có chưa mã độc trên mạng xã hội để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để quảng cáo, mua bán hàng hóa đặc thù là các thiết bị y tế, nhất là thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 qua đó chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng...

Chúng giả còn giả danh nhân viên y tế gửi tin nhắn qua mạng xã hội mời gọi người dân mua thuốc đặc trị phòng, chữa bệnh COVID-19 hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung cấp vật tư phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt. Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả danh cán bộ bệnh viện, thông báo đã điều trị cho bạn bè hoặc người thân của nhân nhân khỏi bệnh COVID-19 và yêu cầu chuyển tiền thanh toán viện phí...

Trong thời gian các tỉnh thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động mua sắm trực tuyến của người dân gia tăng, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán số của người dân. Lợi dụng điều này, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng đã đăng bán hàng trên mạng xã hội, sau khi người dân mua chuyển tiền vào tài khoản, chúng sẽ nhanh chóng khóa tài khoản để chiếm đoạt tiền; hoặc giả làm khách hàng tạo ảnh chụp màn hình giả về việc đã chuyển tiền cho người bán để lừa nhận hàng..., nhất là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cho tất cả người dân nắm, phòng ngừa những thủ đoạn gây án của các đối tượng tội phạm mạng, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội hiện cũng đang kiến nghị, đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tương trợ tư pháp, nhất là trong việc xác minh lý lịch tư pháp, ủy thác điều tra, dẫn độ thu hòi tài sản của các loại tội phạm nói chung và tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để hoạt động nói riêng...

Theo ANTĐ

comment Bình luận

largeer