Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hướng tới bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nữ
Trên cơ sở vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng và thực trạng vị trí yếu thế của người tiêu dùng nữ trong tiêu dùng, dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội kèm theo Tờ trình số 347/TTr-CP ngày 26 tháng 9 năm 2022 đã có các quy định mới hướng tới bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nữ. Cụ thể như sau:
Vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng
Theo nghiên cứu chung, giới nữ có vị trí quan trọng trên bản đồ tiêu dùng của thế giới, dẫn dắt 70%-80% xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Phụ nữ dẫn dắt 70-80% xu hướng tiêu dùng thông qua sự kết hợp giữa sức mua thực tế và tầm ảnh hưởng đến tiêu dùng của mình. Giới nữ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng đối với phần lớn các hàng hóa, dịch vụ, trong đó, chi tiêu nhiều nhất của người tiêu dùng nữ thường rơi vào các nhóm hàng hóa, dịch vụ như thực phẩm, mỹ phẩm, nhà cửa, xe cộ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, máy tính cá nhân, thiết bị công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe…); dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, du lịch.
(Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, nữ giới chiếm hơn một nửa dân số Việt Nam. Sơ bộ năm 2020, Việt Nam có 48.988.670 nữ giới, chiếm 50,52% dân số cả nước. Trong đó, số nữ giới từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng hơn 47% trong tổng dân số có độ tuổi trên 15. Đây là độ tuổi vàng cho tiêu dùng hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chủ hộ có giới tính nữ có mức chi tiêu cho đời sống bình quân theo tháng luôn cao hơn (trung bình khoảng 18%) so với chủ hộ có giới tính nam trong suốt giai đoạn 2010-2020. Bên cạnh đó, giới nữ còn có ảnh hưởng đến chi tiêu ở những gia đình có chủ hộ là nam.
Xét riêng về các phương thức mua sắm, với tỷ lệ 70,3% người dân sử dụng mạng Internet năm 2021 và hơn 88% tỷ lệ người dùng tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020, thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong phương thức giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam, mà giới nữ cũng không phải là ngoại lệ. Theo kết quả khảo sát của Vinaresearch, Công ty Nghiên cứu thị trường Micromill South East Asia, nữ giới mua sắm qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam giới. Facebook và Zalo là hai mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay mà người tiêu dùng nữ thường thực hiện mua sắm trực tuyến trên đó với mức độ nhận biết thương hiệu lần lượt là 100% và 94,3%. Trong số những người tiêu dùng nữ được khảo sát, có 98,3% người trả lời đã từng mua sắm qua Facebook và 29,5% người đã từng mua sắm qua Zalo.
Thực trạng vị trí yếu thế của người tiêu dùng nữ trong tiêu dùng
Trong mối quan hệ với các nhà cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng thông thường ở vào vị trí yếu thế, bao gồm các khía cạnh kinh tế, kiến thức, thông tin và các khuynh hướng nhận thức (“cognitive biases”) từ phía người tiêu dùng. Đối với đối tượng người tiêu dùng nữ, vị trí yếu thế này lại được khắc họa sâu sắc hơn nữa. Cụ thể:
Nữ giới có thể thường xuyên phải đối mặt với các chiến lược khai thác khuynh hướng hành vi và xu hướng tâm lý từ các bên bán hàng và họ được coi là "mục tiêu" cho các chiến lược tiếp thị đặc biệt. Chẳng hạn: (i) doanh nghiệp sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ; (ii) doanh nghiệp thu hút người mua bằng các phản hồi, đánh giá tốt của người tiêu dùng khác về sản phẩm, dịch vụ nhưng lại che dấu các phản hồi, đánh giá không tốt; (iii) nhân viên bán hàng gọi điện để giới thiệu sản phẩm và chào mời mua hàng tận cửa hoặc mua hàng qua điện thoại…
Bên cạnh đó, nữ giới còn đối mặt với vấn đề “pink tax” (tạm dịch ra tiếng Việt là “thuế màu hồng”). Đây là hiện tượng các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ lợi dụng những sự khác biệt về thể chất, tâm lý để cung ứng những mặt hàng dành riêng cho từng giới tính: nữ giới, nam giới, v.v.; trong đó những mặt hàng dành riêng cho nữ giới thường được bao gói đẹp hơn (ví dụ như sử dụng màu hồng), được quảng cáo là có những thành phần khác có lợi cho nữ giới và được bán với giá cao hơn. Nghiên cứu đã cho thấy hành vi này phổ biến nhất với các mặt hàng như mỹ phẩm (chăm sóc da, tóc, dầu tắm, dầu gội), thuốc giảm đau, bàn cạo, và cả những dịch vụ spa, trị liệu, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe, v.v. Không có dẫn chứng cụ thể cho thấy các mặt hàng này thực sự có lợi ích vượt trội cho nữ giới so với các sản phẩm dành cho nam hay các sản phẩm trung tính về giới khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng nữ vẫn phải trả giá cao hơn.
Từ các chiến lược khai thác xu hướng tâm lý tiêu dùng của khách hàng, không ít người tiêu dùng, trong đó có nữ giới đã xác lập các giao dịch không tối ưu. Chẳng hạn, cũng theo kết quả khảo sát của Vinaresearch, Công ty Nghiên cứu thị trường Micromill South East Asia được đề cập ở trên, gần 50% người tiêu dùng được khảo sát, bao gồm cả người tiêu dùng nữ, đã từng bị lừa gạt khi mua sắm qua mạng xã hội, trong đó điển hình như nhận được hàng hóa với chất lượng không như cam kết và không được đổi, trả (80,9%), nhận được hàng hóa với chất lượng không như cam kết, được đổi trả nhưng phải trả phí cho người bán (33,7%), bị bẫy tư vấn, cung cấp thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm (27,8%), đã thanh toán tiền nhưng không nhận được hàng (24,8) và gửi thông tin thông báo trúng thưởng giả mạo (20,8%). Tại Việt Nam, theo công bố của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, người tiêu dùng cũng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như: chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%),…
Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy các định kiến về giới khiến cho nữ giới khó tiếp cận các kênh tín dụng chính thống hơn do các ngân hàng quan ngại về khả năng trả nợ thấp, thu nhập thấp hơn và không có tên trên tài sản đảm bảo. Việc này dẫn đến người tiêu dùng nữ dễ bị lợi dụng, bóc lột bởi các kênh tín dụng đen. Đã có hiện tượng kênh tín dụng đen sử dụng hình ảnh khỏa thân hay gọi điện cho gia đình bè bạn đề khủng bố người đi vay là nữ (người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính).
Như vậy, vấn đề giới có ảnh hưởng tới các quyết định tiêu dùng của nữ giới cũng như ảnh hưởng tới cách định hình hành vi và chiến lược kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó, nữ giới với vai trò là nhóm chiếm ưu thế bằng hành vi trực tiếp mua sắm cũng như các ảnh hưởng của mình lên quá trình tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ lại dễ bị xâm phạm quyền lợi hơn do sự tác động từ các chiến lược khai thác khuynh hướng hành vi, cảm xúc và các đặc điểm riêng về giới từ phía các doanh nghiệp. Trong khi đó, các nghiên cứu cũng cho thấy ở nhiều nơi trên thế giới, lượng người tiêu dùng nữ đi khiếu nại ít hơn hẳn nam giới do các đặc điểm về giới (ngại đối đầu, đua tranh, thường chỉ nói chuyện với người thân về các trải nghiệm tồi tệ với sản phẩm, dịch vụ). Do vậy, cần phải có cơ chế bảo vệ chuyên biệt hơn đối với đối tượng người tiêu dùng nữ giới.
Bên cạnh đó, ngoài các vấn đề nêu trên, những đối tượng nữ giới là phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi còn mang trong mình các đặc điểm và hoàn cảnh riêng khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản hơn đối tượng nữ giới thông thường trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, chẳng hạn như các vấn đề nhạy cảm về tâm lý; nhạy cảm về sức khỏe thai nhi, sức khỏe trẻ sơ sinh, bà mẹ sau sinh và nguồn sữa mẹ; các hạn chế trong việc đi lại, di chuyển… Đây là các yếu tố khiến đối tượng này trở nên dễ bị tổn thương hơn, chịu nhiều bất lợi hơn trong việc thực hiện các quyền của người tiêu dùng và có thể bị tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch.
Các vấn đề này cần được tính đến trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm bảo vệ người tiêu dùng nữ
Theo quy định của Luật BVQLNTD 2010, người tiêu dùng nữ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ so với các chủ thể người tiêu dùng nam khi tham gia giao dịch mua, bán với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nói cách khác, các quy định của Luật BVQLNTD hiện nay đều trung tính về giới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quy định bình đẳng trên pháp luật không nhất thiết tạo ra sự bình đẳng trên thực tế. Trong Luật BVQLNTD, mặc dù không có các quy định mang tính chất phân biệt, Luật BVQLNTD cũng chưa xem xét, quy định các quyền lợi ưu tiên hoặc có thể được xem là đặc thù, dành riêng cho người tiêu dùng nữ. Theo đó, cần có sự nhạy cảm giới để tạo được sự bình đẳng thực chất cho các đối tượng này.
Dự thảo Luật BVQLNTD đã có các quy định nhằm bảo vệ đối tượng nữ giới là phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Hiện nay, trước nhu cầu cấp thiết về thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, trước vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng và thực trạng vị trí yếu thế của người tiêu dùng nữ trong tiêu dùng như đề cập tại mục 1 và 2 nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tính tới và thực hiện việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nữ. Dự thảo Luật đã có các quy định nhằm bảo vệ đối tượng nữ giới dễ bị tổn thương khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, tạo thêm cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ cho nữ giới để tham gia vào quá trình tiêu dùng một cách an toàn, khắc phục các đặc thù về giới tính để bình đẳng với nam giới trong quá trình giao dịch, chẳng hạn đưa ra quy định việc đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo giới tính, điều chỉnh cụ thể việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, việc mua sắm trực tuyến hay các giao dịch đặc thù, cụ thể như:
- Đưa đối tượng phụ nữ đang mang thai và đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi vào nhóm người dễ bị tổn thương; tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính…; tăng cường minh bạch thông tin đối với các sản phẩm được sản xuất dành riêng cho từng giới.
- Quy định về việc cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, mà không thông báo trước cho người tiêu dùng đây là các nội dung được tài trợ.
- Quy định về cấm nền tảng số sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng.
Các nhóm quy định này trao thêm cơ hội, điều kiện về mặt thông tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nữ là nhóm thường xuyên mua sắm qua nền tảng số và mua sắm theo xu hướng của người nổi tiếng, nhằm tăng cường năng lực tham gia tiêu dùng hiệu quả cho giới nữ.
- Đưa ra các quy định cụ thể về các hình thức giao dịch từ xa, giao dịch trực tiếp là các trường hợp nữ giới thường mua hàng theo các thông tin quảng cáo của doanh nghiệp, trong đó đưa ra các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng bằng các biện pháp như cho phép đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết, hoàn trả lại sản phẩm, hàng hóa...
Thu Hằng
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm