Lưu ý tình trạng viêm da tã lót ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi

Viêm da tã lót, còn được gọi là chứng hăm tã. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra ở vùng da tã lót. Tình trạng này gây nên do sự tiếp xúc trực tiếp với phân và nước tiểu. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ trẻ nào có mặc tã, nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi.
07/07/2022 09:17

Nguyên nhân gây ra viêm da tã lót là gì?

Có một vài nguyên nhân khác nhau gây ra chứng hăm tã, bao gồm:

Sự kích ứng da: là nguyên nhân phổ biến nhất, da bị kích ứng do tiếp xúc với phân và nước tiểu trong nhiều giờ hoặc các thành phần gây kích ứng trong tã.

Vi sinh vật: nấm, vi khuẩn

Tình trạng dinh dưỡng: thiếu hụt các chất như: biotin, kẽm

Sự dị ứng hoặc nhạy cảm: đối với các loại kem bôi, khăn ướt, xà phòng hoặc tã.

3-sai-lam-me-nen-tranh-va-cach-cham-soc-tre-so-sinh-dung-cach-vao-mua-dong-2-36

(Ảnh minh họa)

Biểu hiện của viêm da tã lót là gì?

Ban đỏ kèm theo bong vảy da nhẹ ở các vùng tã che phủ. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện mụn nước, mụn mủ hoặc trợt, loét tại vùng da tã lót. Khi có tổn thương vệ tinh là biểu hiện của nhiễm nấm.

Vị trí thường gặp ở vùng tiếp xúc với tã như: mông, đùi, bẹn, bộ phận sinh dục

Khi bị viêm da tã lót trẻ thường có biểu hiện ngứa, đau rát, quấy khóc, khó ngủ, chậm tăng cân.

Trẻ có biểu hiện ban đỏ vùng tã lót cần được khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán bệnh và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác có biểu hiện tương tự như: viêm da thiếu kẽm, viêm da tiếp xúc dị ứng, bệnh ghẻ…

Chẩn đoán viêm da tã lót như thế nào?

Trẻ cũng cần được thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh như nhuộm soi tìm vi khuẩn, soi tươi tìm nấm. Các xét nghiệm này không đau, không xâm lấn và có kết quả nhanh chóng. Việc xác định nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị.

Điều trị viêm da tã lót bằng cách nào?

Tùy thuộc vào tình trạng hăm tã mà cha mẹ có thể chọn những giải pháp phù hợp:

Tình trạng hăm tã nhẹ do kích ứng da, trẻ có thể được chăm sóc xử trí tại nhà. Sử dụng các loại kem bôi có chứa kẽm oxit hoặc petrolatum (vaseline) bôi lên vùng hăm. Có thể bôi nhiều lần trong ngày. Chú ý thay tã thường xuyên giữ cho vùng da này luôn khô thoáng để thuốc phát huy tác dụng.

Tình trạng nặng, trẻ nên được đưa đi khám sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Tại đây, bác sĩ khám và có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như: soi tươi tìm nấm, hoặc định lượng kẽm… Từ đó có kế hoạch điều trị với từng bệnh nhi cụ thể.

Đề phòng viêm da tã lót như thế nào?

Trẻ cần được chăm sóc đúng cách ngay từ khi mới chào đời. Một số lưu ý:

Thay tã thường xuyên: khoảng 3 giờ/lần, hoặc thay tã ngay khi bẩn, bị ướt, đảm bảo vùng da mặc tã luôn khô thoáng.

Sử dụng tã sạch: nên dùng các loại tã, bỉm rõ nguồn gốc xuất xứ. Thay loại bỉm khác ngay nếu có dấu hiệu hăm tã ngay từ lần sử dụng đầu tiên.

Giữ sạch vùng tã lót: thay tã ngay sau khi bé tiểu tiện hoặc đại tiện. Sử dụng khăn mềm để thấm nước ấm sạch lau cho trẻ nhẹ nhàng. Không nên dùng khăn ướt vì loại này có chứa cồn, gây kích ứng da.

Tránh sử dụng phấn rôm: gần đây, bột phấn rôm không được khuyến khích sử dụng cho trẻ do: khi vùng tã bị ẩm ướt, bột phấn rôm tạo thành hỗn hợp kết dính, rất khó vệ sinh và bám sâu vào các kẽ da khiến da bé bị viêm nặng hơn. Bên cạnh đó, trẻ còn có nguy cơ hít phải bột phấn rôm gây ảnh hưởng đường hô hấp.

BSCKII. Nguyễn Thị Kim Oanh – Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer