Malaysia tái thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) gần như toàn bộ đất nước để chống dịch

Đến ngày 22/1, MCO được áp đặt tại gần như toàn bộ các bang và lãnh thổ liên bang ở Malaysia, ngoại trừ Sarawak. Tuy nhiên, một số địa phương ở Sarawak cũng đã thực hiện MCO, bao gồm Sibu, Selangau và Kanowit.
20/01/2021 10:22

Phóng viên TTXVN tại Malaysia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết từ ngày 22/1, các bang Pahang, Perak, Negeri Sembilan, Kedah, Terengganu và Perlis sẽ bắt đầu thực hiện MCO.

Trước đó, MCO đã được thực hiện tại 5 bang (Penang, Selangor Malacca, Johor, Sabah) và 3 lãnh thổ liên bang là Kuala Lumpur, Putrajaya, Labuan từ ngày 13/1, còn đối với bang Kelantan là từ ngày 16/1.

Thời gian thực hiện MCO là hai tuần và có thể sẽ được gia hạn để hạn chế sự đi lại từ đó hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

malaysia-19121

Như vậy, đến ngày 22/1, MCO được áp đặt tại gần như toàn bộ các bang và lãnh thổ liên bang ở Malaysia, ngoại trừ Sarawak. Tuy nhiên, một số địa phương ở Sarawak cũng đã thực hiện MCO, bao gồm Sibu, Selangau và Kanowit.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/1, Malaysia ghi nhận 3.631 mắc mới COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, đứng sau ngày 16/1 với 4.029 ca. Bang Selangor tiếp tục là địa phương có nhiều số ca nhiễm nhất với 1.199 ca, tiếp đó là Sabah và Kuala Lumpur lần lượt với 526 và 521 ca.

* Cùng ngày, Trung Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian theo dõi y tế lên 28 ngày đối với công dân trở về từ nước ngoài nhằm ngăn chặn các ca mắc COVID-19 nhập khẩu. Theo đó, mô hình "14+7+7" bao gồm 14 ngày cách ly tập trung, 1 tuần cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung và 1 tuần theo dõi sức khỏe. Những người dân trong nước đến thủ đô Bắc Kinh phải cách ly 21 ngày trước khi vào Bắc Kinh và thực hiện 7 ngày giám sát y tế sau khi vào thủ đô.

* Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết việc phân bổ rộng rãi vaccine ngừa COVID-19 không phải điều kiện tiên quyết để tổ chức Đại hội Thể thao Olympic và Đại hội thể thao thế giới dành cho các người khuyết tật (Paralympic) ở thủ đô Tokyo.

Phát biểu với báo giới, ông Kato cho biết Nhật Bản đang cân nhắc nhiều biện pháp toàn diện nhằn đảm bảo một kỳ Olympic an toàn. 

Theo kế hoạch thích ứng với "trạng thái bình thường mới" do đại dịch COVID-19 được đưa ra trước đó, Đại hội Thể thao Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8 tới, với khoảng 11.000 vận động viên từ 200 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia lễ khai mạc. Trong khi đó, Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9.

Chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide kiên quyết tổ chức sự kiện này bất chấp sự hoài nghi của công chúng trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng.

Theo một khảo sát đo hãng tin Kyodo thực hiện trong tháng này, 80% số người được hỏi cho rằng nên lùi thời gian tổ chức hoặc hủy sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Trong khi đó, Nhật Bản sẽ tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ cuối tháng 2 tới cho nhân viên y tế, tiếp theo là những người trên 65 tuổi vào cuối tháng 3 và sau đó là những người có bệnh lý nền và nhân viên chăm sóc người cao tuổi. 

Thủ tướng Suga đã cam kết đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 cho 126 triệu người dân nước này đến giữa năm 2021. Hiện vaccine của hãng Pfizer là loại duy nhất đang trong quá trình xét duyệt của Bộ Y tế nước này và dự kiến sẽ được cấp phép ưu tiên dựa trên kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại các nước khác.

Theo báo Tin Tức

comment Bình luận

largeer