Mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên, thực tế báo động

Mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN) không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe. Mang thai ở tuổi VTN còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống.
23/04/2023 07:18

Đa số các trường hợp mang thai ở VTN là ngoài ý muốn. Vì không mong đợi nên việc mang thai gây rất nhiều ảnh hưởng và xáo trộn tới cuộc sống và sức khỏe của VTN. Việc quyết định tiếp tục giữ hay chấm dứt mang thai là một quyết định khó khăn đối với VTN. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống, tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

1

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai tuổi VTN năm 2020 là 2,39%; 2021: 4,40%; 2022: 4.33%. Khu vực Tây Nguyên năm 2020: 4,72%; năm 2021: 4,98%; năm 2022: 5,62%. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tỷ lệ mang thai ở tuổi VTN tại tỉnh Đăk Nông năm 2020: 5,8%, năm 2021: 5,9%, năm 2022: 5,8%. Qua thống kê cho thấy tỷ lệ mang tuổi VTN tại tỉnh Đăk Nông ở mức cao, đây là một thực tế đáng báo động.

Khi mang thai ở tuổi VTN dễ dẫn đến các biến chứng trong quá trình thai nghén như: Dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống.

Do đó, khi có con trong độ tuổi VTN, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với các em, cho con cái những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho các em những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng mang thai, phá thai tuổi VTN và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai./.

 BS Thu Huyền (TT KSBT tỉnh Đắk Nông)

comment Bình luận

largeer