Mẹo hay chữa say rượu ngày Tết

Tết đến xuân về là dịp để mọi người sum họp và quây quần bên nhau. Bên cạnh những niềm vui của sự gặp gỡ thì cũng còn đó những nỗi lo, mà nỗi lo lắng lớn nhất là tình trạng say rượu. Bởi Tết thì không thể tránh khỏi việc chúc tụng nhau bằng rượu. Làm cách nào để chữa say rượu là điều được nhiều người quan tâm.
16/01/2023 12:03

Biểu hiện của say rượu

Say rượu hay còn gọi là xỉn. Đây là một trạng thái sinh lý gây ra bởi việc tiêu thụ thức uống có cồn như: Rượi, bia… Say rượu phát sinh khi chất cồn trong rượu bia tích tụ trong máu nhanh hơn khả năng chuyển hóa của gan. Trong trường hợp sử dụng quá mức có thể dẫn tới ngộ độc và tử vong nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách. Khi bị say rượu, tâm trí và cơ thể người bị say rượu sẽ ở trong trạng thái suy yếu kèm theo những biểu hiện đặc trưng sau: Nói líu lưỡi, nói nhiều, mất thăng bằng, phối hợp cơ thể kém, mặt đỏ, nôn mửa.

Mẹo hay chữa say rượu ngày Tết. Ảnh minh họa

Mẹo hay chữa say rượu ngày Tết. Ảnh minh họa

Những người say rượu ở mức độ nặng hơn còn có những biểu hiện thay đổi hành vi thông thường của bản thân, thậm chí là có thể mất trí nhớ tạm thời (triệu chứng black – out). Tức là cơ thể khi đó vẫn có thể làm các công việc bình thường như nói chuyện, đi lại hay ăn uống nhưng não bộ vào thời điểm ấy không tạo ký ức để lưu giữ lại khiến người đó về sau không nhờ bất cứ điều gì trong thời điểm đó. Nếu bị mất trí nhớ nhẹ, người ta sau khi tỉnh rượu không nhớ những gì đã làm trong khoảng thời gian ngắn nhưng có thể nhớ lại khi được ai đó nhắc, trong khi mất trí nặng khiến họ không nhớ được ký ức khoảng thời gian dài hơn dù được nhắc lại.

Nguyên nhân gây nên việc mất trí là do một phần của não trước (khu hồi hải mã/hồi cá ngựa) trong thùy thái dương của bộ não – có chức năng lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn cũng như giúp định hướng trong không gian bị hủy hoại hóa học. Khi bị say rượu, chất cồn làm nhiễu cơ quan thụ cảm trong hồi hải mã dẫn tới các nơron thần kinh không liên lạc được với nhau, kéo theo nhận thức dài hạn bị phá vỡ.

Cách xử trí khi say rượu

Đối với những người bị say rượu, cơ thể rơi vàng trạng thái suy yếu và rất mệt mỏi, choáng váng. Việc nhanh chóng giải cơn say là điều cần thiết để có thể tỉnh táo trở lại. Một số cách xử trí say rượu sau đây bạn có thể áp dụng:

– Kích thích họng nhẹ để gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má.

– Nằm ở phòng ấm, thoáng, tránh gió lạnh. Sau đó, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng, nằm ở tư thế úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái để có thể nôn ra hết chất độc của rượu.

– Uống nhiều nước lọc để pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng. Lưu ý: Không cho uống các loại nước giải khát hay nước tăng lực thông thường, đặc biệt là các loại nước có gas, bởi loại nước này có thể cho ra lượng khí carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, đẩy nhanh tốc độ hấp thụ rượu làm tăng nguy cơ ngộ độc.

– Uống nước ép mía, cà chua, bưởi hoặc nước sắc đậu đen.

Biểu hiện của say rượu. Ảnh minh họa

Biểu hiện của say rượu. Ảnh minh họa

– Thái một ít gừng tươi thành lát mỏng, đem sắc nước uống. Bởi gừng có tác dụng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể và vị gừng nóng có tác dụng chống say rượu.

Lưu ý cần tránh khi say rượu:

– Không uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Bởi Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa trong trường hợp say rượu và ngộ độc rượu.

– Nếu người bị say rượu ngủ, người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Khi nào cần đưa người say rượu đi cấp cứu?

Uống rượu say gây ảnh hưởng tới toàn cơ thể, ở mức ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh…

Trong trường hợp người say rượu có những dấu hiệu: Hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp…), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim…) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương… thì cần đưa ngay đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer