Một ngày tại lò hỏa táng giữa "địa ngục Covid" Ấn Độ: Khi cái chết là sự thật duy nhất trong các lò hỏa thiêu đang đỏ lửa ngày đêm

Trong khu đỗ xe chật hẹp của lò hỏa táng Ghazipur, các thi thể được xếp sát nhau đến mức chỉ cần một mồi lửa để hỏa thiêu tất cả một lần. Thi thể được chuyển đến liên tục, nên có những thi thể phải nằm trên giàn hỏa cả ngày, để châm lửa đồng loạt khi đêm xuống.
06/05/2021 18:02

 

*Lược dịch từ câu chuyện của Aman Sethi - nhà báo New York Times tại New Delhi.

Ấn Độ ngày 28/4, 36 thi thể được xếp vào hố hỏa táng làm từ bê tông, được chỉ định đốt lửa vào lúc 10h sáng. Những thi thể đến sau được vận chuyển đến một bãi đậu xe nhớp nháp bùn đất, chuẩn bị cho một cuộc hỏa thiêu tập thể tiếp theo.

Lượng xe cứu thương cũng tăng gấp đôi, khi các đoàn xe tang nối đuôi nhau trên con phố chật hẹp bên ngoài nhà hỏa táng thành phố Ghazipur. Bãi đậu xe ở đây không có các hố hỏa táng, nên nhân viên bệnh viện cẩn thận mang các thi thể xuống xe, đặt gần đống tro tàn từ các giàn hỏa thiêu trước đó một ngày.

h1

Số thi thể ấy đều là các nạn nhân của "địa ngục Covid" - dịch bệnh đang tàn phá Ấn Độ ở một quy mô kinh hoàng nhất từ trước đến nay.

Linh mục Ram Karan Mishra, không đeo khẩu trang và cũng chẳng hoảng sợ, bước chậm rãi qua các thi thể, cảm xúc trống rỗng.

"Nếu tôi ngã bệnh và chết, tôi sẽ được lên thiên đường. Cái chết là sự thật duy nhất" - ông nói trước khi đọc kinh tiễn đưa các nạn nhân.

Câu cách ngôn về cái chết của vị linh mục, bi kịch thay, lại là thứ mà người Ấn Độ sẽ phải nhớ mãi về những gì đã trải qua.

h2

Cách đây 2 tháng, chính phủ Ấn Độ tự tin tuyên bố đã "đánh bại Covid-19 bằng tầm nhìn cực kỳ nhạy cảm và sáng suốt". Tháng 1/2021 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi còn khẳng định rằng "họ đã cứu nhân loại khỏi một thảm họa lớn bằng cách kiểm soát virus corona thật hiệu quả."

Lời tuyên bố tự tin ấy đã phản lại họ. Làn sóng dịch bệnh lần hai đến quá nhanh và quá kinh khủng khi tạo những con số kỷ lục, như việc có trên 300.000 ca nhiễm mỗi ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Tushar Mehta, một trong số những luật sư hàng đầu chính phủ từng nói không ai ở đất nước này thiếu oxy. Và ngay sau đó, các bệnh viện rơi vào cuộc khủng hoảng oxy thật sự, giường bệnh cũng chẳng còn, là một trong số những nguyên nhân khiến hàng chục ngàn người tử vong chỉ trong tuần qua.

Thủ hiến bang Uttar Pradesh - một trong những bang đông dân và nghèo nhất Ấn Độ đã từng yêu cầu phát lệnh bắt giữ những người lan truyền "tin đồn không kiểm chứng" về tình trạng thiếu hụt vật tư trên mạng xã hội. Nhiều bài đăng như vậy đã bị gỡ bỏ. Có điều, những hình ảnh trong các lò hỏa thiêu tập thể đã dập đi mọi cuộc tranh luận.

Bởi lẽ, cái chết chính là sự thật duy nhất.

h3

Gần như tất cả những ai tôi biết đều từng mất đi người thân vì thứ virus quái ác này, thậm chí là mất nhiều là đằng khác.

Khi bố gọi cho tôi hôm 27/4 thông báo rằng bác đã chết vì Covid-19, rằng cả gia đình bác đang mắc bệnh, rằng một người chú khác của tôi đang phải nằm trong phòng chăm sóc tích cực, tôi chỉ cảm thấy tê dại. Một cảm giác tê dại đầy quen thuộc.

"Anh ra ngoài một chút" - tôi nói nhanh với vợ rồi bước lên xe mà chẳng cảm thấy gì khác biệt. Nhưng đến sáng hôm sau khi đến một số nghĩa trang và nhà hỏa táng, tôi nhận ra mình muốn có cảm xúc trở lại, vì ở đó là những cảnh tượng đau lòng

Trong khu đỗ xe chật hẹp của lò hỏa táng Ghazipur, các thi thể được xếp sát nhau đến mức chỉ cần một mồi lửa để hỏa thiêu tất cả một lần. Thi thể được chuyển đến liên tục, nên có những thi thể phải nằm trên giàn hỏa cả ngày, để châm lửa đồng loạt khi đêm xuống.

h4

*Lưu ý từ người dịch: Ở một số nhà hỏa táng chạy bằng điện hoặc khí đốt, các lò thiêu phải làm việc từ sáng đến tối, đến mức bản thân cái lò cũng tan chảy.

Linh mục Mishra bảo tôi rằng suốt 10 ngày qua, các nhân viên tại đây phải hỏa thiêu 40 - 50 thi thể mỗi ngày ở khoảnh đất chỉ rộng cỡ 2 sân tennis. Khói lửa từ lò hỏa khiến lá cây xoài gần đó nhuộm đen trong khi ngọn cây vẫn xanh ngát, tạo nên một sự tương phản đầy ma mị.

Các lò hỏa táng vốn là nơi chỉ có nam giới lui tới. Nhiều người Hindu tin rằng chỉ con trai mới có quyền được thắp ngọn lửa tiễn đưa cha mẹ về thế giới bên kia. Và ở Ghazipur, những thanh niên trẻ đang tất bật chạy đôn đáo, chuẩn bị rất nhiều việc. Một nhóm đi đăng ký lượt hỏa thiêu cho người thân. Nhóm khác gom củi, cố kiếm lấy những cành chất lượng nhất trước khi kho gỗ cạn kiệt. Nhóm nữa thì vội vã chạy đi giành chỗ để xây giàn hỏa. Đại dịch lúc này ở Ấn Độ, nơi thuốc men, oxy, máy thở và giường bệnh đều thiếu hụt, thì giàn hỏa táng cũng chẳng khác gì cả.

h5

Malvika Parakh - một trong số ít phụ nữ có mặt tại Ghazipur ngày 28/4, đứng một mình giữa sự hỗn loạn. Dưới chân cô là thi thể cha mình - Tiến sĩ Dattaraj Bhalchandra Parakh. Ông là một nhà thực vật học danh tiếng, mắc Covid và tử vong ở tuổi 65. Ông cần một chiếc giường ICU có gắn máy thở, nhưng Parakh chỉ có thể xoay xở được chiếc bình thở oxy thông thường mà thôi.

"Chỉ số oxy của bố không tăng lên" - cô nghẹn ngào. Ông ra đi vào buổi sáng hôm đó, lúc 7h30.

Mẹ của Parakh đã qua đời từ lâu, trong khi hầu hết người thân của cô đều đã nhiễm Covid-19. Một thành viên khác trong gia đình đưa thi thể cha cô từ nhà xác bệnh viện đến nơi hỏa táng cũng ngã bệnh ngay lúc đó. Vậy là nữ bác sĩ tâm lý 32 tuổi giờ đứng đây một mình cùng thi thể cha, tại khu hỏa táng được trưng dụng từ một bãi đỗ xe với tâm trạng rối bời, cố gắng hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình.

"Nó giống như một bộ phim khi cả thế giới đồng loạt bị tấn công vậy. Thi thể ở khắp mọi nơi" - cô nói khi đang ngước mặt nhìn hàng dài thi thể xếp hàng trên các giàn hỏa. "Bạn chờ đợi một siêu anh hùng nào đó xuất hiện để cứu tất cả mọi người. Nhưng đó là phim, còn ở đây thì chẳng có siêu anh hùng nào cả."

h6

Cũng trong ngày 28/4, Bikki - trợ lý trẻ lo việc tang lễ tại một bệnh viện tư nhân của thành phố - có kể với tôi về một kiểu tang lễ mới: "Tang lễ qua WhatsApp" (một ứng dụng trò chuyện).

Tên gọi này có căn nguyên như sau. Khi một bệnh nhân Covid-19 trút hơi thở cuối cùng trong phòng ICU, Bikki sẽ là người vận chuyển thi thể xuống nhà xác. Tại đây, anh ta sẽ bọc thi thể trong một lớp vải, rồi một lớp nhựa, sau đó gắn thẻ xác nhận tử vong vì Covid-19 lên đó. Sau cùng, thi thể sẽ được cố định bằng băng keo phẫu thuật, có màu trắng.

"Khi người nhà bệnh nhân đến, chúng tôi có thể gỡ băng keo phần đầu để họ nhìn mặt và xác nhận thi thể" - Bikki thuật lại. "Nhưng rất nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân hoặc kẹt ở nước ngoài, hoặc đang bị cách ly vì Covid, nên chúng tôi để họ nhận mặt qua video call trên WhatsApp."

h7

Bikki sau đó sẽ đưa thi thể lên xe cứu thương, chở tới nơi hỏa táng. Tôi gặp Bikki tại nhà hỏa táng Sarai Kale Khan vào sáng hôm đó, trước khi tới Ghazipur. Chúng tôi trò chuyện một lúc, trong khi các công nhân dùng gạch vữa xây các bể lớn bên ngoài nhà hỏa.

"Chỉ thiêu được 10 thi thể trong nhà hỏa táng thôi" - Bikki nói. "Họ đang xây các khu hỏa táng khác, dùng cho 50 người." Nghe đoạn, tôi đếm được 30 thi thể xếp trước mặt tôi. Đằng sau bức tường có 20 thi thể nữa, Bikki cho biết.

Một người cùng làm với Bikki chia sẻ đêm nào anh cũng mơ thấy gương mặt của những xác chết anh phải xử lý. "Tên của họ, tôi không nhớ, nhưng mặt thì có" - người này nói bằng một giọng trầm buồn, và tôi thực sự hiểu ý của anh là gì.

Cách đây 1 tháng, tôi được gọi đến một căn hộ ngay phía dưới nhà mình. Đó là căn hộ của một bác sĩ quan không quân 70 tuổi đã về hưu, đã nằm liệt giường gần 1 tuần vì sốt cao dù xét nghiệm âm tính với Covid-19. Lúc tôi xuống, bác đã mất hoàn toàn ý thức.

Chúng tôi cố gắng cứu bác bằng bình oxy cạnh giường. Anh trai bác chĩa điện thoại vào chiếc bình, đợi đầu dây bên kia hướng dẫn cách sử dụng nó. Còn vợ bác - tôi thường gọi là dì, thì đang sốc tột độ.

Một cách từ từ rồi chuyển sang đột ngột, nồng độ oxy trong máu bác tụt xuống 0. Xe cấp cứu tới ngay sau đó, nhưng tất cả đã muộn. Các bác sĩ công bố bác tử vong tại bệnh viện, cùng với đó là bản xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Các con của hai bác vội bay về từ nước ngoài, nhưng họ không thể gặp mẹ trong ít nhất 2 tuần. Bởi lẽ chính dì cũng đã nhiễm bệnh và phải tự cách ly. Còn tôi, cũng chỉ có thể tham gia lễ cầu nguyện cho bác qua màn hình điện thoại mà thôi.

Suốt 1 tuần sau đó, tôi cố gắng tìm cách làm xét nghiệm nhưng không thể vì các phòng thí nghiệm trở nên quá tải. Bởi vậy, tôi buộc phải tự cách ly suốt 2 tuần, nhưng không có triệu chứng. Bác sĩ khuyên tôi nên tiếp tục tự cách ly và theo dõi thêm, thay vì ra ngoài và trở thành gánh nặng cho nền y tế vốn đã quá mong manh vào lúc này.

h8

3h chiều ở Ghazipur, hầu hết các giàn hỏa thiêu đã được dựng xong. Vì khan hiếm, gỗ ở đây được phân loại rất nghiêm ngặt. Vậy nên những người đưa tang bắt đầu xếp các thanh gỗ được cấp thành một kiểu dáng dễ nhìn hơn, tựa như chiếc giường tiễn đưa người đã khuất. Xây dựng "khung giường" mất khoảng 20 phút. Nhưng từ sau đó đến tối trời, người đưa tang chạy qua chạy lại, thu nhặt mọi thứ giống như chim xây tổ. Họ lấy rơm, tre nứa, thậm chí là gỗ mục bị vứt bỏ... để nhét vào những khoảng trống trong giàn hỏa.

Một số giàn - như của cha cô Parakh - vẫn chưa dựng xong. Parakh vẫn đang gọi điện thoại cho người thân, tìm kiếm sự giúp đỡ. Một người thân với gia đình đang tới - cô cho biết. Mọi thứ tiến triển nhanh hơn khi người này xuất hiện, và cuối cùng giàn hỏa thiêu cũng hoàn tất.

5h chiều, khu đỗ xe nhỏ bé giờ trông giống như một ngôi làng, với những mái nhà thấp đến ngạc nhiên. Linh mục Mishra bước qua từng giàn hỏa, đọc kinh cầu nguyện cho người chết.

Tôi để ý đến một cô gái trẻ, đang lấy tay lau nước mắt. "Cha mẹ đang đợi tôi bên ngoài" - cô nói, đoạn chỉ vào giàn hỏa thiêu. "Đó là chồng tôi đấy. Chồng tôi đấy..." - giọng cô nghẹn lại.

Giàn hỏa đầu tiên được châm lửa, rồi ngọn lửa lan ra, nối tiếp nhau. Dần dần, những lời cầu nguyện chìm dần trong tiếng nổ lách tách của củi khô. Ngọn lửa cũng lớn dần, bừng sáng cả một khoảng trời.

h10

Nhìn ngọn lửa, tôi nhớ về tất cả những người chúng tôi mất đi trong năm qua, về những đám tang không thể tham dự, và nỗi đau mà thành phố này mang theo.

Parakh đứng trước giàn hỏa thiêu cha mình, trò chuyện cùng ai đó qua một ứng dụng trên điện thoại. Gần đó, một người đàn ông trung niên nhìn tôi, tay chỉ vào một điểm trên ngọn lửa hoang dại: "Mẹ tôi đấy."

Ngọn lửa rực cháy suốt vài giờ sau đó. Một số người bắt đầu rời đi, mắt đẫm lệ, mang theo sự đau thương và mệt mỏi trên vai. Cô Parakh và người nhà cũng ra ngoài, hướng về ngôi nhà cô đã cùng cha ở suốt cuộc đời.

"Xin hãy nhớ quay trở lại vào 8h sáng hôm sau để thu lại tro cốt" - linh mục Mishra nói lớn. "Chúng tôi cần phải dọn dẹp để chuẩn bị cho cuộc hỏa táng vào tối ngày mai."

"Cái chết là sự thật duy nhất" - tôi lẩm bẩm.

"Cái chết là sự thật duy nhất" - người đàn ông bên cạnh đáp lại.

Nguồn: NY Times

comment Bình luận

largeer