Một quyển sách hay về nghệ thuật Thư pháp

Anh Nguyễn Hiếu Tín, quê An Giang, hiện là Trưởng Bộ môn Du Lịch - Trường đại học Tôn Đức Thắng, anh cũng là cái tên khá quen thuộc trong giới những người yêu thư pháp ở TP. HCM. Từng là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Thư pháp “Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM và đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm tem trong và ngoài nước.
27/03/2023 10:04

Nguyễn Hiếu Tín tạo sự bất ngờ, ấn tượng khi vừa mới “trình làng” tác phẩm “Thư pháp là gì?”, do NXB Hồng Đức ấn hành. Được biết đây là tác phẩm đầu tay của anh, sau 15 năm, nay mới được tái bản, dựa trên luận văn thạc sĩ của anh, thể hiện sự tìm tòi, khám phá thư pháp bằng tất cả niềm say mê.

c1

Thật ấn tượng với một quyển sách “nặng ký” dày dặn, với gần 400 trang, đầy ắp tư liệu, nghiên cứu nghiêm túc và nghệ thuật, in ấn rất công phu được viết từ một chàng trai trẻ (ấn bản đầu tiên khi tác giả mới 27 tuổi). Lại bất ngờ hơn với phần giới thiệu và đặc biệt phần phụ lục liệt kế hơn 60 bài viết, công trình, triển lãm liên quan đến nghệ thuật thư pháp của tác giả. Bởi sẽ khó cảm nhận được sức lao động miệt mài, sáng tác của tác giả, phải có một tấm lòng thiết tha, yêu quý với thư pháp chữ Việt.

Đọc tác phẩm, người đọc sẽ như bị lôi cuốn bởi sự phân tích, đánh giá, giảng giải và đưa ra những luận chứng, luận cứ thuyết phục về cái hay, cái đẹp của thư pháp, đưa người đọc tìm về với thời kỳ chữ viết mới xuất hiện, đến khi được nâng lên một tầm cao hơn mang đậm tính nghệ thuật. Thư pháp - viết chữ nghệ thuật - không đơn thuần là vẽ, mà phải chuyển tải được trạng thái tinh thần, cái hồn của chữ, của người viết. Thật thú vị, bổ ích và có ý nghĩa xiết bao khi tác giả đã giới thiệu cho chúng ta một số thư pháp, tuy rất tiêu biểu nhưng đã khái quát được các “trường phái” thư pháp từ Đông sang Tây. Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên,  Hán Nôm Việt... chúng ta còn có dịp biết đến thư pháp Á Rập, thư pháp Tây Tạng, thư pháp phương Tây,.. Tác giả còn có ý nói rằng: “nghệ thuật thư pháp phương Đông” và “nghệ thuật viết chữ phương Tây” – dù khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích... nhưng chúng lại gặp nhau ở Cái Đẹp. Mọi tìm kiếm sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, dù Đông hay Tây, dù hướng nội hay hướng ngoại đều đi về chân trời Mỹ học - cho dẫu khái niệm Mỹ học người ta vẫn đang còn những quan điểm dị đồng khá phức tạp.

c2

Hiện nay, “nghệ thuật viết chữ Việt” từ các mẫu tự La Tinh, rõ ràng “hình” là phương Tây mà “hồn” thì phương Đông. Nếu các “thư pháp gia chữ Việt” đừng cầu kỳ, nắn nót, công phu, kỹ xảo quá - trên từng con chữ – mà chú trọng đến ý, khí, thần nhiều hơn; nghĩa là để tâm trạm nhiên, thư thái, thanh thản, hư tĩnh... cho con chữ trôi chảy tự nhiên, thanh bình, nhất quán... thì chắc chắn “thư pháp Việt” sẽ mang một tầm vóc mới; tuy chưa dám sánh với “thư pháp Hán”, nhưng cũng thể hiện được Cái Đẹp đặc thù của văn hóa phương Đông hướng nội: phụng hiến các giá trị đạo đức, nhân văn, tinh thần hướng thiện và hướng thượng cho con người trước xã hội khoa học trục vật hãnh tiến hiện nay. Từ cơ sở nền tảng này, tác giả đã đưa ra những luận giải khá thuyết phục về sự ra đời của thư pháp chữ Việt hiện nay, tuy còn “non tuổi”, nhưng hứa hẹn nhiều điều thú vị, mong chờ ở tương lai.

Nhà nghiên cứu, nhà thư pháp Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã đánh giá tác phẩm: “Một tìm kiếm về tư tưởng, lý luận hoặc một công trình nghiên cứu với nhiều thao tác tư duy, nhiều nguồn tham   khảo như thế này là hiện tượng văn hóa đáng được quan tâm, khích lệ, tán thán; vừa tiếp truyền được hơi thở truyền thống của dân tộc, vừa mở đường khiêm tốn cho “thư pháp Việt” bước đi một cách tự tin, vững chãi hơn… Cảm ơn “người bạn trẻ, rất trẻ” đã cho tôi đọc một tác phẩm nghiên cứu công phu mà nếu thiếu nhiệt huyết, đam mê; thiếu thời gian, kiến thức và tế bào não thì không thể làm được”.

PGS.TS. Trần Hồng Liên đã nhận định: “Giá trị tác phẩm chính là đã nêu lên được tính sáng tạo trong đặc trưng dân tộc người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được ngọn lửa nhiệt tình của thế hệ trẻ tiến vào lĩnh vực nghệ thuật, biết cảm nhận và thể hiện tâm hồn của mình qua ngòi bút sắc bén và nồng ấm niềm đam mê đối với thư pháp chữ Việt”.

c3

Hy vọng rằng, sau “Thư pháp là gì?”, Nguyễn Hiếu Tín sẽ tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực mình đam mê, để khai thác hết những cái hay, độc đáo giới thiệu cùng độc giả; bằng những công trình nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn, để khẳng định hồn của thư pháp và sức sống mãnh liệt của nó, dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Và, cũng để tỏ niềm mong muốn của tác giả khi viết trang cuối cùng khép lại quyển sách này: “Thư pháp Việt đã ngắm sâu vào hồn người và nếu chúng ta có ý thức trân trọng, tạo được một sức bật mạnh mẽ, biết giữ gìn và phát huy hẳn nó sẽ trở thành quốc bảo. Để góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, thăng hoa, thiết nghĩ cùng với việc luyện tay nghề, tạo nên tính đột phá về thẩm mỹ của các “thư pháp gia”, cần có một công trình lý luận nghiêm túc để hướng dẫn giới yêu thích thư pháp chữ Việt có điều kiện tiếp cận, đón nhận nó một cách đích thực, chứ không thể mặc cho giới thưởng lãm cảm nhận mơ hồ hoặc tán đồng miễn cưỡng theo kiểu phong trào!”.

Hoa Tâm

comment Bình luận

largeer