Một số địa phương miền núi phía Bắc bị ngập úng, sạt lở, thiệt hại nặng nề do mưa lớn

Từ đêm ngày 15/9 đến chiều ngày 16/9 mưa lớn đã khiến một số địa phương miền núi phía Bắc bị ngập úng, sạt lở, thiệt hại nặng nề.
17/09/2022 11:45

Tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, mưa dồn dập đã làm hàng trăm khối đất đá sạt lở, khiến 3 người trong một gia đình tại xã Thông Nguyên bị vùi lấp. Những người này đã được tìm thấy và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Empty

Mưa lũ gây thiệt hại nặng hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) (Ảnh: TTXVN)

Còn tại các địa phương khác trong tỉnh, đã có 5 người bị thương, 1 người còn đang mất tích. Toàn tỉnh Hà Giang có 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 44 nhà bị ngập, đổ tường, đất đá sạt vào nhà. 320 ha lúa, ngô, lạc bị thiệt hại do ngập úng, gãy đổ và hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết. Nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã bị sạt lở.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến 20h ngày 16/9, thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân do mưa lũ ở Hà Giang đã tăng lên gần 13 tỷ đồng.

Mưa lớn trong nhiều giờ đã khiến trôi, sập 4 cây cầu ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang và Xín Mần. Hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều công trình trường học, kênh mương, điện bị thiệt hại nặng.

Mưa lớn làm ngập, trôi 3 xưởng sản xuất chè của nhân dân. Ngoài ra, hàng chục m3 đất đá taluy dương ở Đài hương 468 tại thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, bị sạt lở.

Empty

Cơ sở vật chất tại huyện Bảo Yên bị thiệt hại do mưa lũ gây ra (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)

Còn tại Huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, mưa to trên diện rộng, làm xuất hiện lũ ống tại các xã: Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến.

Empty
Empty

Nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Bảo Yên bị thiệt hại nặng nề (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)

Theo thống kê sơ bộ đến 14h ngày 16/9, đã có 12 nhà dân bị thiệt hại do mưa lũ; trên 51 ha lúa và hoa màu bị vùi lấp; 11 công trình đường giao thông, thủy lợi, cầu, ngầm tràn bị đứt gãy, sạt lở. Một số tuyến đường bê tông tại các xã, thị trấn bị sạt lở ta luy dương. Tổng thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.

Cần đề phòng sạt lở đất sau mưa lớn

Các đợt mưa lớn vẫn luôn được cảnh báo sớm trước vài ngày, nhưng dự báo lượng mưa cực đoan sẽ xảy ra ở điểm nào, lượng bao nhiêu vẫn là một bài toán khó. Vì vậy, những thiệt hại vẫn xảy ra.

Làm thế nào để có thể phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả Thiên tai, Tổng Cục Phòng chống Thiên tai khyến cáo, trong đợt mưa này, một số nơi đã có mưa rất lớn. Với cường suất mưa đặc biệt lớn và ngưỡng mưa như vậy, sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Trong khi đó, Việt Nam chưa dự báo được mưa cực lớn như vậy.

Do đó, người dân, chính quyền các địa phương cần tập trung triển khai các biện pháp sau:

- Theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết vì lượng mưa thực tế có thể sẽ lớn hơn nhiều so với dự báo.

- Theo dõi, cập nhật thường xuyên lượng mưa thực tế, khi thấy tình huống mưa lớn phải chủ động phòng tránh.

- Chính quyền cơ sở, lực lượng xung kích địa phương cần tăng cường biện pháp tuần tra, kịp thời xử lý sớm khi có tình huống xảy ra.

- Tăng cường thông tin tới người dân để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.

Mưa lớn xảy ra sẽ gây sạt lở đất, ảnh hưởng tới nhà dân, tính mạng con người, đường giao thông bị chia cắt, gây lũ đột ngột trên các sông suối nên những hoạt động của người dân ven sông suối sẽ trở tay không kịp. Vì vậy, chính quyền và người dân cần phải chủ động trong mọi tình huống.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer