Một số đối tượng từ vùng dịch về Hà Nội nhưng không khai báo theo quy định

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho Hà Nội.
03/02/2021 06:45

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó, một người liên quan Quảng Ninh. Số còn lại liên quan Hải Dương.

“Với những người trở về từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố đã rà soát 17.273 trường hợp và lấy 17.058 mẫu, đạt 99% mẫu. Chúng tôi àm xét nghiệm và 15.200 trường hợp đã có kết quả. Các khu vực ổ dịch đã xử lý theo quy định”, ông Hạnh nói.

Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm mở rộng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế hôm qua. Tại Nam Từ Liêm, các đơn vị đã lấy 800-1.000 mẫu gửi các cơ sở xét nghiệm hỗ trợ. Tối 1/2, UBND thành phố mở thêm khu cách ly tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai, để tiếp nhận các trường hợp F1.

Chỉ đạo về công tác chống dịch tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý thành phố cần rà soát lại những người đi về từ ổ dịch. Hiện Hà Nội phát hiện hơn 15.000 người đi từ Chí Linh về. Song thực tế, còn một số người đi về nhưng không chịu khai báo với chính quyền.

Hà Nội cũng xuất hiện thêm một số điểm dịch khác. Do đó, Hà Nội phải chuyển đổi phương thức truy vết, song song với đó là phong tỏa, cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, nếu không sẽ không kịp với tốc độ lây truyền của virus.

Bộ trưởng mong Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. “Quan trọng nhất với Hà Nội là điều phối để không bị dồn mẫu, phải có trung tâm chỉ huy điều phối mẫu trên toàn thành phố”, Bộ trưởng nói.

 
Tieu_hoc_Xuan_Phuong_Viet_Hung37

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng.

Bộ trưởng cho biết 11/16 mẫu từ người bệnh Covid-19 cho kết quả giải trình tự gene tương tự biến chủng B117 tại Anh. Trường hợp bệnh nhân tại TP.HCM cũng cho kết quả tương tự.

“Tải lượng virus của quần thể này cao gấp bốn lần so với trước đây. Khả năng bám dính so với tế bào chủ nhanh hơn”, bộ trưởng nói.

Ông nhấn mạnh virus lần này có tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ và tỷ lệ người không có triệu chứng khá cao vì xuất hiện trên đối tượng trẻ. Vì thế, các địa phương cần liên tục rà soát lại những điểm có nguy cơ, đặc biệt tại bệnh viện, mở rộng diện xét nghiệm tại bệnh viện.

Các địa phương phải thay đổi chiến thuật trong phòng, chống, nâng cao và nhanh hơn một mức trong phòng, chống dịch.

“Địa phương nào truy vết được thì truy vết. Địa phương nào không truy vết được thì phải giãn cách xã hội, cần thiết lấy mẫu trên diện rộng. Chúng ta phải nhanh hơn, áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn”, ông Long nói.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện nay, 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng, 3 bệnh nhân phải thở máy, một bệnh nhân nặng.

Chỉ chờ người bệnh có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ dẫn tới việc bỏ sót. Vì thế, khai thác tiểu sử dịch tễ rất quan trọng. Ông Khuê yêu cầu các cơ sở y tế phải khai thác kỹ tiểu sử dịch tễ tại các cơ sở y tế ngay tại bàn đón tiếp để sàng lọc ngay từ đầu, tránh bỏ sót.

Tính đến 18h ngày 2/2, thành phố Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc Covid-19, trong đó, Cầu Giấy (3), Nam Từ Liêm (10), Hai Bà Trưng (1), huyện Mê Linh (3), Đông Anh (3).

Hiện thành phố đã phong tỏa 10 địa điểm liên quan tới các ca mắc Covid-19 này. Ba quận, huyện là Mê Linh, Đông Anh, Nam Từ Liêm được xác định có nguy cơ cao với những ca F1, F2 trở thành F0. Về cơ bản, thành phố đã thực hiện nghiêm việc truy vết, xác định được các F1, F2, F3 của số bệnh nhân này.

Hiện nay, năng lực xét nghiệm trong một ngày đêm của CDC Hà Nội và các bệnh viện tại thành phố có thể đạt khoảng 5.000 mẫu đơn hoặc 15.000-20.000 mẫu trộn. Theo dự kiến, trong hôm nay, những mẫu cuối cùng có kết quả.

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer